10/01/2019 - 08:27

Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo 

(CT)- Chiều 9-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới tại 63 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị do GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì. Tại điểm cầu Cần Thơ có Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Thị Hồng Ánh, cùng đại diện các sở ban ngành tham dự.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại cầu Cần Thơ. ảnh: B.NG

bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ dự  Hội nghị trực tuyến tại cầu Cần Thơ. ảnh: B.NG

Theo đó, chương trình GDPT mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Lộ trình áp dụng từ năm học 2020-2021 (lớp 1); năm học 2021-2022 (lớp 2 và lớp 6); năm học 2022-2023 (lớp 3, lớp 7 và lớp 10); năm học 2023-2024 (lớp 4, lớp 8 và lớp 11); năm học 2024-2025 (lớp 5, lớp 9 và lớp 12). Theo các đại biểu, chương trình GDPT mới có những điểm ưu việt hơn so với chương trình hiện hành, như: Dạy học cá thể hóa, tích hợp, dạy học thông qua hoạt động; giảm tải số tiết học, số môn; đổi mới cách đánh giá kết quả giáo dục. Đồng thời, chương trình còn hướng cho học sinh lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp. Nhưng khó khăn hiện nay của các đơn vị vẫn là thiếu nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo nên rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo Bộ, ngành trung ương.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại cầu Cần Thơ. ảnh: B.NG

Trong chương trình GDPT mới sẽ có hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thị trấn Thới Lai đang sáng tạo đồ dùng tại Khu trải nghiệm sáng tạo của trường. ảnh: B.NG

Hiện cả nước có hơn 567.000 phòng học, trong đó phòng học kiên cố gần 425.000 phòng (đạt 75%). Riêng vùng Tây Nam bộ, trường lớp kiên cố chiếm từ 59% đến 87,9%. Về đội ngũ giáo viên, tính đến tháng 10-2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên, cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định về trình độ đào tạo. Tuy nhiên,  so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu (sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng) là 75.989 người.

Qua 8 ý kiến phát biểu tại các điểm cầu, GS.TS Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao tâm thế chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDPT mới ở các địa phương và ghi nhận những kiến nghị của các địa phương. Sau hội nghị này, Bộ sẽ có hướng dẫn, phân công phân cấp cụ thể; đặc biệt là hỗ trợ từng địa phương khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cũng như giảm gánh nặng về các sổ sách hành chính,  ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tạo môi trường sư phạm tốt, nâng cao hiệu quả giáo dục – đào tạo. Đây là nền tảng để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới năm học 2020 -2021.

B.Ngọc

Chia sẻ bài viết