31/03/2023 - 22:45

Phần Lan tiếp thêm sức mạnh cho NATO? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30-3 đã trở thành quốc gia thành viên cuối cùng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) phê chuẩn nghị định thư kết nạp Phần Lan vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Binh sĩ Phần Lan. Ảnh: Atlanticcouncil

Ðộng thái trên diễn ra 2 tuần sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan công khai ủng hộ nỗ lực nhiều tháng qua của quốc gia Bắc Âu, đánh dấu bước tiến lịch sử đối với Phần Lan và đó được xem là một thất bại ngoại giao và chiến lược đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng tuyên bố ngăn chặn NATO mở rộng về phía Ðông khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ giúp Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300km với Nga, chỉ còn phải trải qua một vài thủ tục giấy tờ trước khi trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Helsinki hy vọng tiến trình này sẽ được hoàn tất vào đầu tuần tới.

Với sự hiện diện của Phần Lan, NATO được cho sẽ ở thế mạnh hơn khi đối đầu với Nga, giành quyền tiếp cận lực lượng quân sự hùng mạnh cũng như không phận, cảng và tuyến đường biển của Phần Lan. Không giống như hầu hết các nước châu Âu, Phần Lan không thu hẹp quân đội sau sự sụp đổ của Liên Xô. Ước tính, số lượng quân tại ngũ trong lực lượng phòng thủ của Phần Lan ở mức khiêm tốn chỉ 23.000 quân nhưng quân số thời chiến có thể tăng nhanh lên con số 280.000 người. Trong khi đó, lực lượng pháo binh của Phần Lan là lực lượng lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Tây Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo, trong đó gồm 700 khẩu lựu pháo, 700 súng cối hạng nặng và 100 hệ thống phóng tên lửa. Không những vậy, Phần Lan còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các hoạt động hàng hải ở khu vực Bắc Cực đang ngày càng có nhiều tranh chấp.

Matti Pesu, chuyên gia an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, cho biết với sự gia nhập của Phần Lan, NATO cũng sẽ có khả năng bảo vệ các quốc gia vùng Baltic và Bắc Cực tốt hơn. James G. Stavridis, cựu Ðô đốc Hải quân Mỹ, gọi sự kiện trên là “một điểm cộng lớn cho NATO”. “Về mặt địa lý, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ tạo thêm một đường biên giới rộng lớn, làm phức tạp tính toán của ông Putin” - ông Stavridis nhận định.

Trong quá khứ, Phần Lan và Nga từng nổ ra xung đột. Trong Chiến tranh mùa đông năm 1939-1940, Phần Lan đã ra sức chống lại cuộc tấn công của Liên Xô dù nước này phải từ bỏ một số lãnh thổ và đồng ý giữ thái độ trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh. Song, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Phần Lan đã gia nhập EU, phát triển quan hệ đối tác với NATO và từ bỏ chính sách không liên kết quân sự. Ðặc biệt, sau khi Nga tấn công Ukraine, Phần Lan cho rằng chỉ có cam kết phòng thủ tập thể của NATO mới có thể mang lại cho Helsinki sự đảm bảo an ninh cần thiết.

Chia sẻ bài viết