11/04/2020 - 06:14

Ông Trump lại sốt ruột mở cửa nền kinh tế 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế nước này ngay đầu tháng 5 trong bối cảnh lượng người thất nghiệp do dịch COVID-19 ngày càng gia tăng. Kế hoạch này đã làm dấy lên tranh cãi trong giới chức xứ cờ hoa.

Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình COVID-19 tại Nhà Trắng hôm 9-4. Ảnh: Businessinsider

“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ rất sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. Chúng ta sẽ trở lại một cách mạnh mẽ hơn, thậm chí còn thành công hơn so với trước” - Tổng thống Trump tuyên bố trong cuộc họp báo về tình hình COVID-19 tại Nhà Trắng hôm 9-4. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, ông sẽ “tuân theo” lời khuyên của các chuyên gia y tế khi cân nhắc cách thức cũng như thời điểm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo tờ Politico, để chuẩn bị cho kế hoạch trên, nhà lãnh đạo Mỹ đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm khôi phục nền kinh tế, với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow cũng như nhiều quan chức hàng đầu khác. Phát biểu với kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết, Washington đang làm mọi thứ cần thiết để các công ty và công dân Mỹ có thể mở cửa kinh doanh trở lại.

Theo giới phân tích, Tổng thống Trump muốn nhanh chóng mở cửa lại hoạt động kinh doanh bởi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang gia tăng kỷ lục, có thể gây khó khăn cho ông trong việc tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Bộ Lao động Mỹ vừa ghi nhận 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần kết thúc vào ngày 4-4 do nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Thống kê mới nhất này đã nâng tổng số người đăng ký hỗ trợ thất nghiệp tại Mỹ lên mức 16,8 triệu chỉ trong 3 tuần. Đây là mức tăng thất nghiệp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ năm 1948. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng vọt lên 2 con số trong tháng 4 này do những tác động của việc đóng cửa doanh nghiệp được thực hiện từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số lượng thất nghiệp ở Mỹ vào cuối tháng 4 dự kiến lên hơn 20 triệu người, tức chiếm 15% lực lượng lao động. 

Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa nền kinh tế đã vấp phải sự phản đối từ Đồi Capitol. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong cuộc phỏng vấn hôm 9-4 phát đi cảnh báo đối với ông Trump, kêu gọi tỉ phú New York đừng vội vàng cho mở cửa trở lại nền kinh tế khi mà dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, bởi hành động này chỉ có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cảnh khó khăn hơn. Bà Pelosi cho rằng rất nhiều yếu tố cần phải được đánh giá khi ông Trump đưa ra quyết định trên, trong đó gồm khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại Mỹ. Theo bà, Hạ viện Mỹ cũng sẽ khó nhóm họp vào cuối tháng này khi mà cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.

Giới chuyên gia y tế công cộng cũng có những lo ngại tương tự khi cho rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm có thể làm bùng phát làn sóng nhiễm bệnh và tử vong mới nếu như không có các biện pháp theo dõi và kiểm tra chặt chẽ. Nhiều quan chức Mỹ cũng lên tiếng phản đối kế hoạch của ông Trump. Họ lo ngại nó có thể khiến bao nhiêu công sức chống dịch thời gian qua “đổ sông đổ biển”. Đặc biệt, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết việc nối lại các hoạt động kinh tế quá sớm có thể dẫn tới gia tăng các ca nhiễm COVID-19, khiến Mỹ một lần nữa rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, ngày 9-4, FED đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỉ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây được xem là bước đi mang tính đột phá nhất của FED nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại. Chương trình trên được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và các chính quyền bang đang chịu thiệt hại nặng nề do phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ. 

Ngoại thương Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Nhậm Hồng Bân ngày 10-4 cho biết ngoại thương của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19, đã lây lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhận định trên được quan chức Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu do dịch COVID-19 gây ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo với các phóng viên, ông  Nhậm Hồng Bân cho hay cuộc điều tra được Bộ Thương mại tiến hành cho thấy rằng các doanh nghiệp thương mại Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn từ việc hủy hoặc hoãn các đơn đặt hàng và các đơn đặt hàng mới cũng gặp rủi ro.

TRÍ VĂN (Theo Business Insider, Politico, AP)

Chia sẻ bài viết