01/03/2009 - 20:17

Ông Sáu từ thiện

Đó là cách gọi thân thương mà người dân địa phương dành cho ông Võ Văn Nhặc, ở ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn đẩy xe, lội bộ hàng chục cây số đi xin thực phẩm cho những người có số phận kém may mắn; hay dầm mưa, phơi nắng hàng tháng trời góp công xây dựng những cây cầu, con đường cho bà con đi lại an toàn.

Gần về chiều, chợ Trung Hưng (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) vắng hoe. Thấy chị bán cá còn gần 1 kg cá rô, cá trạch trong thau, tôi ghé vào định mua giúp, nhưng chị bán cá dứt khoát không bán. Tôi hỏi đùa: “Để cho ông xã nhậu phải không?”. Chị bán cá cười tươi nói: “Hôm nay, mua bán có lời khá, còn lại mớ cá này tôi để dành cho ông Sáu. Chờ nãy giờ nhưng chưa thấy ổng đến”. Tôi hỏi: “Chắc ông Sáu có hoàn cảnh khó khăn lắm?”. Chị bán cá cho biết: “Cách một bữa là ông Sáu đẩy xe đến chợ xin đồ, ai cho gì ổng cũng nhận. Có người cho rau, bầu, bí; có người cho thịt, cá. Đi xong một tua ở chợ này, ông Sáu đẩy xe đến chợ khác xin tiếp, khi nào thấy đủ đồ phân phát lại cho bà con thì mới đẩy xe đi về”.

Từ câu chuyện của chị bán cá, tôi tìm đến ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ để tìm con người “lạ” này. Nghe tôi hỏi thăm đường đi đến nhà ông Sáu (Võ Văn Nhặc), anh Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Thới Hòa nói: “Muốn gặp ông Sáu không dễ đâu. Ổng ít ở nhà lắm, không đi xin thì cũng đi bắc cầu, làm đường, từ tờ mờ sáng đến chiều tối mới về. Anh phải hẹn trước may ra mới gặp được ổng”.

 Ông Sáu Nhặc đang đi quyên góp thực phẩm.

Đúng như lời anh Tùng nói, phải đến nhà lần thứ ba tôi mới gặp được ông Sáu. Đậu chiếc xe đẩy chất đầy đồ đạc trước sân, chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen, ông Sáu phân bua: “Hôm nay, người ta cho đồ nhiều, đủ để cho lại bà con nên tôi về sớm, chứ mọi bữa tối mịt mới về tới nhà”. Dáng người cao to, mái tóc muối tiêu, đã ngoài 80 tuổi, nhưng trông ông Sáu còn trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều.

Công việc từ thiện của ông Sáu bắt đầu từ những năm 1990, khi Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn thị trấn Cờ Đỏ mới thành lập. Lúc đầu, Trung tâm này chỉ có vài cụ đến ở nhưng dần về sau số lượng càng tăng. Kinh phí của Nhà nước, các nhà hảo tâm đóng góp cũng chẳng thấm vào đâu cho chi phí ăn uống, thuốc men của hơn 30 con người ở đây. Nhìn cảnh túng thiếu của Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn thị trấn Cờ Đỏ, trong lòng ông Sáu nặng trĩu nỗi buồn. Muốn đóng góp chút gì đó cho nơi đây nhưng gia đình ông cũng chẳng dư dả gì, nhiều đêm ông Sáu thức trắng suy nghĩ tìm cách giúp đỡ.

Thế rồi, ông Sáu quyết làm một việc gây bất ngờ cho nhiều người. Đó là “đi xin”. Một hôm, ông Sáu đến các sạp bán hàng ở thị trấn Cờ Đỏ, gợi ý xin đồ. Ban đầu nhiều người cứ tưởng ông Sáu xin về để ăn nhưng khi nghe ông giải thích cặn kẽ là xin để cho lại những hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn lòng chia sẻ với ông bằng những phần quà có giá trị. Cầm những phần quà xin được trên tay, ông Sáu mừng đến rơi nước mắt. Và thế là việc “đi xin” để phân phát lại cho người nghèo khó gắn liền với ông Sáu gần hai chục năm nay. Thương cho ông Sáu đi xin tay xách, nách mang không có phương tiện vận chuyển, Hội Từ thiện thị trấn Cờ Đỏ mua tặng cho ông chiếc xe đẩy.

Lúc đầu, thấy ông Sáu đi xin ngoài chợ, nhiều người thân khuyên ông Sáu đừng đi xin nữa vì nhiều người đàm tiếu khó nghe lắm. Nhưng ông Sáu nói: “Miệng đời mà, ai muốn nói gì thì nói, hễ mình làm việc gì có thể giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn là được rồi”. Hiểu được tâm nguyện của ông Sáu, từ đó người thân của ông không phản đối mà còn ủng hộ công việc của ông hết mình.

Hôm sau, tôi cùng ông Sáu đẩy xe đi xin. Có dấn thân vào công việc này mới cảm nhận được nỗi khổ cực của ông. Luồn lách qua những con đường nhỏ hẹp, quanh co trong chợ, tôi với ông Sáu đến từng sạp hàng. Bỏ vào xe 2 bó rau muống xanh um, bà Thạch Nga nói: “Hơn 50 tuổi nhưng trước giờ tôi chưa thấy ai như ông Sáu, dù trời mưa tầm tã hay nắng nóng như đổ lửa, ngày nào ông Sáu cũng đều đặn đến đây xin đồ. Tuổi cao như vậy mà ông vẫn đi làm việc vì mọi người. Thôi thì 2 bó rau muống cũng chẳng là bao, cho ông Sáu làm phước mà mình cũng cầu mong được mua may bán đắt”. Thấy dáng ông Sáu từ xa, nhiều chị bán hàng gọi lớn: “Xin nhiều chưa ông Sáu? Lại đây cháu tặng ít đồ”. Một anh bán hàng khuyên: “Ông Sáu nghỉ vài hôm cho khỏe, đi làm suốt ngày coi chừng bị bệnh”. “Khi nào bệnh mới hay, chứ giờ còn khỏe ngày nào đi làm ngày ấy”- ông Sáu chậm rãi trả lời.

Số hàng hóa mà ông Sáu xin được cũng đến với không ít địa chỉ. Đó là Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn thị trấn Cờ Đỏ; Bếp ăn từ thiện Phòng khám đa khoa khu vực Cờ Đỏ, nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Thới Hòa B, ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ,...

Ngoài công việc đi xin thực phẩm, giúp người khác, ông Sáu còn nổi tiếng với công việc vá đường, bắc cầu. Trưởng ấp Trần Thanh Tùng kể: “Nghe ai nói trong thị trấn có con đường, cây cầu nào bị hư hỏng là ông Sáu huy động anh em trong tổ từ thiện thị trấn Cờ Đỏ cùng tham gia sửa chữa. Lúc nào bận việc sửa cầu, làm đường, ông Sáu phải nhờ bạn bè trong tổ từ thiện thị trấn “đi xin” giùm. Đoạn đường Kinh Ranh- Nóc Bằng ở ấp Thới Hòa B dài hơn 4 cây số, trước đây, do bị sạt lở, “hàm ếch” ăn muốn hết con đường. Ông Sáu vận động người dân góp cây, bao ni- lông, rồi cùng bà con sửa chữa con lộ bằng phẳng. Hay ông đã dầm mưa, đội nắng cả tháng trời cùng một số người bạn bắc cây cầu bê tông dài gần 37m ở ấp Thới Hòa, thỏa lòng ao ước có được cây cầu nối liền 2 bờ sông của người dân địa phương bấy lâu nay”.

Ông Sáu cũng không nhớ từ trước đến giờ mình đã tham gia bắc bao nhiêu cây cầu, làm bao nhiêu kí-lô-mét đường nhưng khi thấy người dân không còn đi lại trong điều kiện đò ngang cách trở, đường sá thiếu an toàn thì trong lòng ông tràn ngập niềm vui. Ông Sáu nói: “Chứng kiến người dân, nhất là các cháu học sinh qua sông bằng những chuyến đò chông chênh, hay đi trên những con đường đầy “ổ gà”, tôi thấy không an tâm. Mình chỉ mất chút công sức mà bà con đi lại an toàn hơn”.

Khi tôi từ giã ông Sáu ra về, có một phụ nữ tuổi gần 40, tay cầm bọc rau, tay xách con cá trê trắng đến gặp ông Sáu vui vẻ nói: “Bọc rau này cháu cho bà con, còn con cá trê này cháu gởi ông Sáu ăn tẩm bổ. Dạo này, thấy ông Sáu hơi ốm à nghe! Làm gì thì làm, ông Sáu phải giữ gìn sức khỏe, còn nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh cần ông giúp đỡ!”.

VÂN QUỚI

Chia sẻ bài viết