14/01/2008 - 22:22

Những thách thức mới trong đào tạo, chuẩn hóa giáo viên tiểu học

Hiện nay, khoảng 99% giáo viên tiểu học ở TP Cần Thơ đã đạt và vượt chuẩn về trình độ; trong đó, phần lớn giáo viên được đào tạo theo hệ vừa làm vừa học. Nhu cầu giáo viên tiểu học của ngành cũng đã dần bão hòa. Vì thế, việc đào tạo hệ chính qui ngành sư phạm tiểu học gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh. Trong khi, để tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc tiểu học, không thể thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo chính qui, đạt và vượt chuẩn.

TP Cần Thơ hiện có 2 trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm tiểu học là Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Cao đẳng Cần Thơ; chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 100 học sinh, sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Phú Lộc, Phó trưởng Bộ môn Toán, khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, nhận xét: “Ở ĐBSCL, do nhiều nguyên nhân, phần lớn giáo viên tiểu học được đào tạo theo hình thức chuẩn hóa, chuyên tu hoặc đào tạo ngắn hạn. Để nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc học này, rất cần một đội ngũ được đào tạo chính qui, đạt và vượt chuẩn”. Hiện nay, Trường ĐHCT đang đào tạo 4 khóa, với trên 200 sinh viên ngành sư phạm tiểu học và đã có 32 sinh viên tốt nghiệp ngành này.

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐHCT đã đầu tư phòng học, phòng tập giảng, bổ sung nhiều trang thiết bị... Cùng với cả trường, khoa Sư phạm cũng đang thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ, giúp sinh viên phát huy khả năng tự học, năng động, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, trường vẫn gặp khó khăn trong giảng dạy các môn liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, như: nhạc, họa, mỹ thuật... do chưa có giảng viên chuyên ngành. Tiến sĩ Nguyễn Phú Lộc nói: “Trường chưa có khoa tiểu học riêng nên chưa tiếp cận được những điểm mới, chưa sát với chương trình đào tạo. Nếu trường có khoa tiểu học riêng, hiệu quả từ việc thụ hưởng dự án giáo dục tiểu học, chất lượng đào tạo sẽ cao hơn”.

 Sinh viên lớp Cao đẳng tiểu học khóa 32, Trường Cao đẳng Cần Thơ đang thảo luận nhóm trong giờ học Tiếng Việt A. Ảnh: BÍCH NGỌC

Trường Cao đẳng Cần Thơ đào tạo ngành sư phạm tiểu học (Bậc cao đẳng) từ khoảng 7 năm nay. Cô Nguyễn Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Chương trình đào tạo của trường cũng dần thay đổi và ngày một nâng cao để thích ứng nhu cầu xã hội. Trường đưa một số giáo viên đào tạo sư phạm tiểu học tham gia bồi dưỡng chuyên môn theo dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ tính riêng năm học 2007-2008 đã có 5 giáo viên học sau đại học”.

Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ đang tập trung nâng cao trình độ đội ngũ. Bà Nguyễn Kim Thao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, đánh giá: “Lực lượng giáo viên được đào tạo chính qui có điều kiện tiếp cận trực tiếp với phương pháp giảng dạy mới nên thuận tiện khi áp dụng ở trường phổ thông. Chẳng hạn như cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên dạy lớp 4A3, tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, đã hoàn thành lớp cử nhân tiểu học, nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp quận...”. Trường Võ Trường Toản có 38 giáo viên, trong đó có 14 giáo viên tốt nghiệp các lớp chính qui.

Nhìn nhận về chất lượng đội ngũ giáo viên, ông Ngô Phú Lỳ, Trưởng Phòng Giáo dục quận Ô Môn, đánh giá: “Những giáo viên có kinh nghiệm thực tế giảng dạy, khi được tham gia các lớp chuẩn hóa, chuyên tu sẽ giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, có một bộ phận giáo viên tham gia các lớp chuẩn hóa, chuyên tu chỉ để có “bằng cấp” đối phó. Những năm 1980, Ô Môn cũng như các địa phương khác của Cần Thơ rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng nên giáo viên chưa qua đào tạo chính qui chiếm đa số. Hiện nay, gần như 100% giáo viên tiểu học của quận đã đạt chuẩn nhưng đáng lo khi chỉ có khoảng 5% giáo viên được đào tạo chính qui”.

Toàn TP Cần Thơ có trên 5.500 giáo viên tiểu học; trong đó, chỉ còn có 60 giáo viên (1,11%) chưa đạt chuẩn. Bà Trần Cẩm Tú, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Những giáo viên chưa đạt chuẩn đều được phân công công tác khác. Hiện nay, nhiều giáo viên đạt chuẩn cũng đang đi học vượt chuẩn. Nhìn chung, lực lượng giáo viên tiểu học đang dần ổn định, nhu cầu tuyển không nhiều nữa”.

Có thể nói, nhu cầu giáo viên tiểu học ở TP Cần Thơ đang dần bão hòa. Hiện nay, ở ngành sư phạm tiểu học, qui mô đào tạo chuẩn hóa đang ngày càng mở rộng trong khi qui mô đào tạo chính qui gặp khó khăn. Bình quân, hàng năm, Trường Cao đẳng Cần Thơ đào tạo chuẩn hóa từ 300- 400 giáo viên tiểu học. Cô Nguyễn Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, nói: “Trường đào tạo ngành sư phạm tiểu học theo nhu cầu đặt hàng của Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ. Điều khiến tôi băn khoăn là nguồn tuyển sinh đào tạo chính qui. Chẳng hạn, năm học 2007-2008, chỉ tiêu tuyển của trường là 30 sinh viên nhưng chỉ tuyển được 25 sinh viên vì không có nguồn tuyển. Nguyên nhân là đội ngũ giáo viên tiểu học đã ổn định, sinh viên sư phạm tiểu học ra trường khó tìm việc làm nên học sinh không muốn chọn thi vào ngành này”. Theo cô Đái Thị Ngoan, Tổ trưởng Tổ Văn, khoa Tiểu học- Mầm non, Trường Cao đẳng Cần Thơ, đành rằng việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là cần thiết nhưng do đầu vào không đồng đều về chất lượng, tuổi tác... chất lượng đào tạo sẽ gặp hạn chế.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản, nghị định về bố trí, sử dụng lực lượng cán bộ nhà giáo. Thực tế, Sở Giáo dục- Đào Tạo TP Cần Thơ, cũng như các Phòng giáo dục quận, huyện đã bố trí giáo viên giảng dạy đúng năng lực, chuyển những giáo viên lớn tuổi, chưa đạt chuẩn, không còn khả năng học tập nâng cao trình độ, sang làm công tác khác. Thế nhưng, theo cô Nguyễn Hoài Thu, nên chăng ngành giáo dục thành phố cần có chủ trương rõ ràng, tạo điều kiện cho sinh viên trẻ mới ra trường dễ tìm việc làm, phát huy năng lực của mình. Có như thế, nỗ lực mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng đào tạo chính qui ngành sư phạm tiểu học mới phát huy được hiệu quả trong thực tế.

NGỌC GIANG

Chia sẻ bài viết