29/04/2014 - 08:21

Những huyền thoại Mẹ

Anh Trương Văn Đầy, Trưởng ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền dẫn chúng tôi len lỏi theo tuyến đường Cái Tắc – Cả Lang đến nhà Mẹ Lê Thị Hoàng. Từ xa, đã thấy bóng Mẹ đổ dài bên con rạch Trà Niềng lớn. Đây là nơi Mẹ đã trải qua cả cuộc đời, chứng kiến những năm tháng đau thương mà anh dũng của tuyến Lộ Vòng Cung lịch sử. Hy sinh, mất mát, hầu như gia đình nào trên tuyến lửa này cũng đã từng trải qua. "Càng mất nhiều người, Mẹ càng tận sức với cuộc kháng chiến, bảo vệ từng căn hầm, từng cán bộ của ta…", Mẹ Hoàng khẳng định một cách kiên cường.

Bài 2: Người Mẹ kiên cường trên tuyến lửa Vòng Cung

Con rạch Trà Niềng lớn gắn bó máu thịt với gia đình Mẹ Lê Thị Hoàng không chỉ bởi Mẹ là dân cố cựu nơi đây mà còn bởi nước sông Trà Niềng lớn đã thấm máu của chồng Mẹ, liệt sĩ Trương Văn Kỳ, cán bộ kinh tài xã Nhơn Ái. Đó là những ngày sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, giặc điên cuồng tìm diệt cơ sở ta, xóa sổ những căn cứ ở vùng đệm từng làm bàn đạp cho quân ta tấn công vào nội thành. Ông Trương Văn Kỳ bị lộ, giặc chặn ở hai đầu khi ông đang chống xuồng qua rạch Trà Niềng lớn. Ông lao xuống sông. Giặc trên bờ cứ xả hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Chúng rút đi, cũng chẳng biết đã hạ được ông hay chưa. Mẹ được tin báo, cùng bà con chia nhau người lo cảnh giới, người lo đóng đáy để xác ông không trôi đi xa hoặc ra sông cái lớn, người lặn tìm ông. "Mẹ cùng bà con chòm xóm lặn ngụp 3 ngày đêm. Đến ngày thứ ba mới tìm được xác ông vướng vào đáy. Đạn bắn trúng vào đầu, bay mất một phần thân thể. Bây giờ nhắm mắt lại Mẹ vẫn nhớ như in hình ảnh đau thương ngày đó"- Mẹ kể, giọng chùng xuống, đôi mắt hướng về con rạch trước nhà, tưởng như người xưa cảnh cũ vẫn quanh quất đâu đây.

Mẹ Lê Thị Hoàng (bìa trái) nói chuyện về việc tặng Nhà tình nghĩa cùng anh Trương Văn Đầy (bìa phải).

Sự hy sinh của ông Trương Văn Kỳ tưởng như khiến Mẹ sụp đổ bởi những đau thương, mất mát cứ dồn dập đổ lên Mẹ. Ông mất ngày 14 tháng 7 âm lịch, một ngày sau khi người em rể thứ Sáu của Mẹ hy sinh. Mới hơn hai tháng trước, vào tháng 5 âm lịch, người con trai thứ hai của Mẹ, anh Trương Văn Hùng, đi du kích địa phương từ năm 17 tuổi, hy sinh cùng đồng đội trong một vụ nổ tại căn cứ, tuổi cũng chưa tới đôi mươi. "Mậu Thân 1968 là năm buồn nhất đời Mẹ. Vợ chồng Mẹ vừa cùng nhau đắp mộ cho con. Vậy mà… chớp mắt… chỉ còn một mình đắp mộ cho chồng"- Mẹ ngậm ngùi. Đến giờ, ký ức về người con đã hy sinh- một thanh niên hiếu thảo, tháo vát chuyện đồng áng, vườn tược- vẫn vẹn nguyên trong Mẹ. Anh mong ước dành dụm tiền mua cho cha bộ đồ tây, cho mẹ bộ áo dài. Nhớ Anh nên sau này, mỗi lần được con cháu may cho đồ mới, Mẹ thường quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt, giấu câu nói "Giá như anh Hai bây còn sống, chắc cũng vợ con đùm đề, xúm xít quanh đây…".

Nỗi đau tiếp nối nỗi đau nhưng không hề khiến Mẹ quỵ ngã mà Mẹ lại mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Mẹ bộc bạch: "Mẹ không có thời gian để buồn, để khổ. Mẹ còn 6 đứa con phải gồng gánh, con út chưa đầy 3 tuổi. Hơn hết là nỗi uất hận, căm thù giặc đem đau thương đến không chỉ gia đình Mẹ mà cả làng xóm, dân tộc mình. Mẹ mong mỏi từng ngày rằng hòa bình, độc lập sẽ đến, sẽ không còn mất mát hy sinh nữa". Vậy là Mẹ xốc dậy, làm giao liên cho cách mạng dưới vỏ bọc đi ghe hàng bông, cũng là kế sinh nhai để nuôi bầy con. Tin tức, thư từ Mẹ thường may vào lai quần, quấn trong búi tóc. Ở nhà, Mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ. Có lúc trong nhà, ngoài vườn ruộng nhà Mẹ có đến 3 hầm, khi đông có đến 6- 7 cán bộ cách mạng ta hoạt động nhờ sự che giấu của Mẹ. Vì sợ có thêm mất mát hy sinh, Mẹ luôn cẩn trọng, bảo vệ chắc chắn từng căn hầm một. Trong nhà Mẹ, cửa trước cửa sau lúc nào cũng khéo léo đặt để xô thùng, thau chậu đề phòng giặc có tông cửa vào là phát ra tiếng vang lớn. Mọi người trong nhà đều thuộc lòng những ám hiệu, để kịp báo cho nhau khi giặc đi tuần ngang, hoặc cảm nhận nguy hiểm đến gần.

Sinh năm 1934, năm nay vừa tròn 80 tuổi, Mẹ Lê Thị Hoàng vẫn giữ được sự tinh anh, kiên cường của người phụ nữ có chồng con hy sinh, từng làm giao liên, đào hầm nuôi chứa cán bộ, ra vào vùng giặc và vùng căn cứ dưới vỏ bọc thương hồ. Nhắc công lao xưa, đã được công nhận bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Mẹ Lê Thị Hoàng không còn nhớ nhiều chi tiết. Mẹ chỉ nói niềm tự hào lớn nhất của Mẹ là những năm nhận nhiệm vụ nuôi chứa cán bộ, Mẹ chưa bao giờ để "hao quân". Những năm xây dựng đất nước sau chiến tranh, Mẹ được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi. Mẹ còn được UBND huyện Phong Điền tặng Giấy khen vì có thành tích trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Khi thấy chúng tôi tần ngần xen lẫn bối rối trước giấy khen này, Mẹ cười hiền giải thích: "Hòabình lập lại, Mẹ được hưởng đầy đủ chế độ chính sách, rồi sự chăm sóc của địa phương. Các con của Mẹ sau này cũng đều chí thú làm ăn, hiếu thảo, cuộc sống gia đình không đến nỗi chật vật. Vậy nên, thấy mấy em, mấy cháu ở ấp, thị trấn đi quanh đây vận động cất nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh liệt sĩ, chính sách, Mẹ kêu vô nhà nói cần góp gì cứ chừa Mẹ một phần". Anh Trương Văn Đầy, trưởng ấp tiếp thêm lời Mẹ: "Nhiều năm nay Mẹ Lê Thị Hoàng luôn tích cực trong chuyện quyên góp làm nhà tình nghĩa. Có Mẹ đi đầu, ai cũng noi theo".

Chúng tôi rời nhà Mẹ Lê Thị Hoàng khi Mẹ và anh Trương Văn Đầy kết thúc câu chuyện về việc họp Chi bộ ấp, bàn tặng Nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách. Mọi chuyện thuận lợi, nhà sẽ được trao nhanh. Mẹ cười tiễn chúng tôi, niềm vui ánh ngời trong mắt.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết