30/03/2011 - 08:51

Những chàng "samurai hạt nhân"

Như tin đã đưa đến nay, có khoảng 19 công nhân tham gia khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11-3 bị phơi nhiễm phóng xạ mức độ cao trên 100 millisieverts. Nhiều công nhân bị thương đã phải nhập viện. Nhưng những “samurai hạt nhân” còn lại vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành sứ mệnh bảo vệ sự sống trên đất nước họ.

Công nhân cảm tử khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima. Ảnh: AP

Có thể nói, cụm từ “samurai hạt nhân” đang trở nên phổ biến tại Nhật khi nói về những công nhân không ngại hy sinh tính mạng ở lại nhà máy điện Fukushima, để khắc phục sự cố hạt nhân do động đất và sóng thần gây ra. Hôm 25-3, những hình ảnh đầu tiên về công việc thầm lặng đầy gian nguy của các “samurai hạt nhân” trong nỗ lực cứu đất nước của mình khỏi sự hủy diệt vì rò rỉ hạt nhân được truyền tải trên truyền hình Nhật và nhiều nước khác làm rung động biết bao trái tim những người theo dõi. Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho rằng họ là những anh hùng duy nhất trực tiếp thắp lên hy vọng kiểm soát được cơn khủng hoảng hạt nhân trên đất nước Mặt trời mọc.

Ban đầu, nhóm kỹ sư cảm tử gồm 50 người, và được xem là những “samurai hạt nhân” ngoan cường nhất. Họ tình nguyện ở lại làm việc dù hiểu rất rõ sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi họ hoàn toàn không biết được tình hình hay sự cố gì thực sự đã xảy ra bên trong các lò phản ứng. Hầu hết họ là những nhân viên kỹ thuật có thâm niên, trong đó có cả lính cứu hỏa, những người am hiểu thiết kế của nhà máy một cách khá tường tận. Sau đó vài ngày, họ có thêm 150 cộng sự và luân phiên làm việc theo nhóm để hạn chế mức độ phơi nhiễm phóng xạ. Hôm 24-3, thêm nhiều công nhân khác trở lại tham gia công tác tại nhà máy điện đang được sửa chữa này. Đến nay, đội quân “samurai hạt nhân” đã tăng lên khoảng 450 người.

Trong phóng sự về các “samurai hạt nhân” tại nhà máy Fukushima, người dân xứ hoa anh đào và thế giới có được cái nhìn phần nào về nỗ lực phi thường của những công nhân đang giúp các lò phản ứng trở lại trạng thái an toàn. Một anh công nhân cho biết anh làm việc trong tiếng còi báo động, khói tỏa ra mịt mù, những tiếng nổ rất mạnh làm mặt đất rung lên và nước chảy bì bõm. Bóng tối được xua tan chỉ khi ánh đèn pin của những anh hùng “bất đắc dĩ” này chiếu sáng và cho thấy được điều kiện làm việc thật khủng khiếp mà họ đang làm việc nhằm cứu đất nước khỏi nguy cơ lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy hoàn toàn. Nhiều lần, tiến độ công việc của họ bị trì hoãn do những trận động đất mới và những vụ nỗ mới ở một số lò phản ứng. Mặc dù mệt nhoài vì sức nóng tỏa ra từ các lò phản ứng bị hư hỏng, những công nhân vẫn phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ trùm kín từ đầu tới chân giúp bảo vệ da của họ khỏi các chất phóng xạ độc hại đang tràn ngập trong môi trường xung quanh. Trong bóng tối dày đặc, họ bò xuyên qua những đường ống dẫn như mê cung bên trong nhà máy để điều chỉnh các van điều khiển hoặc đọc các thông số ghi nhận từ máy đo...

Yasuhiro Ishii và các đồng đội của anh là những lính cứu hỏa đầu tiên vào nhà máy Fukushima sau sự cố hạt nhân do thảm họa động đất và sóng thần hôm 11-3 gây ra. Là một chuyên gia về xử lý ô nhiễm sinh hóa và hạt nhân, Yasuhiro cố gắng thực hiện các biện pháp kiểm soát nồng độ phóng xạ trong khi các đồng nghiệp của anh nỗ lực làm nguội lò phản ứng. “Sứ mệnh của chúng tôi là tiếp cận và làm nguội lò phản ứng số 3. Dĩ nhiên tôi cũng lo sợ vì tôi biết điều gì sẽ xảy ra nếu để cơ thể phơi nhiễm phóng xạ nồng độ cao”, anh nói.

Tuy nhiên, cũng giống như các nhân viên cứu hỏa khác, Yasuhiro không lưỡng lự khi được điều động đến nhà máy Fukushima. Điều đáng chú ý là nhiều công nhân quay trở lại trong số này hoàn toàn chỉ là công nhân bình thường, nhân viên cứu hỏa hoặc thậm chí là nông dân. Chẳng hạn trường hợp anh nông dân Shingo Kanno, anh từng được thuê phục vụ công tác xây dựng tại nhà máy và được cho về nhà ngay khi nhà máy báo động hạt nhân khẩn cấp. Anh chuyển gia đình đến một trại lánh nạn ở Yonezawa nhưng sau đó, đáp lại lời kêu gọi từ nhà máy, anh quay trở lại hỗ trợ công tác.

Người thân của những công nhân dũng cảm nói trên đều lo lắng, cầu nguyện và tự hào khi dõi theo những thông tin về họ. “Cha tôi đã tình nguyện ở lại làm việc mặc dù ông chỉ còn cách ngày về hưu của mình có nửa năm. Tôi đã khóc rất nhiều. Ở nhà, cha tôi dường như không giống một người có thể xoay xở những việc trọng đại. Nhưng hôm nay, tôi thực sự tự hào về cha. Tôi cầu nguyện cho cha sẽ an toàn quay về” - một cô gái chia sẻ trên Internet.

THUẬN HẢI
(Theo Guardian, Daily Mail, Lateline, Japan Times)

Chia sẻ bài viết