10/10/2008 - 22:01

Nguy cơ đổ vỡ gia đình từ vạ... miệng

Trong quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn dễ dẫn đến xung đột thường bắt nguồn từ cách phát ngôn. Không ít gia đình đổ vỡ vì người chồng hoặc vợ không chịu đựng nổi bạn đời quá lắm lời.

Vì miệng... mang họa

Chị L.P., nhà ở một chung cư trong phường An Khánh, quận Ninh Kiều, bị chồng phang cây sắt dập mấy ngón chân hồi tuần rồi đang là đề tài bàn tán của chị em trong khu vực. Tức vì ông chồng thất nghiệp suốt ngày chỉ biết o bế mấy chiếc xe mô tô đời cũ, không phụ vợ công việc nhà, chăm sóc con nhỏ, nên khi chồng đem đồ nghề ra sửa xe thì chị kiếm chuyện chọc tức, hết chê xe rồi lại chê người, sau đó so sánh chồng với mấy ông hàng xóm. Ông chồng điên tiết bảo vợ im nhưng ngược lại chị còn lớn tiếng mắng: “Cái thứ quê mùa như ông chỉ xứng đáng với mấy chiếc xe đồ bỏ này thôi. Tôi đui mù mới lấy nhằm thằng chồng dở hơi như vậy!”. Chị vừa dứt lời thì anh phang cây sắt đang cầm trên tay tới, cũng may cây sắt trúng ngay cánh cửa chính, rớt xuống chân chị nên chỉ bị dập chân, nếu lỡ trúng ngay đầu và mặt thì không biết hậu quả thế nào. Nghe chị kêu cứu, mọi người xúm lại đưa chị đi trạm y tế, còn anh chồng hậm hực: “Tại bả kiếm chuyện trước. Đau cho chừa thói già mồm, hung dữ!”.

Có vị trí ngoài xã hội và có thu nhập cao, nên chị M., kế toán trưởng một công ty tư nhân ở TP Cần Thơ, thường phô bày quyền lực ở nhà bằng cách ra lệnh cho người thân, ai không làm vừa ý chị thì bị mắng té tát. Có lần, bận công việc đột xuất, chị kêu chồng đi rước đứa con 4 tuổi đang học Trường mầm non. Chồng không đưa con về nhà cho ăn cơm đúng giờ theo lời vợ dặn, mà dẫn đi ăn quà lặt vặt rồi cho con ngồi chơi đợi cha lai rai vài xị với bạn đến 6 giờ tối mới về. Nghe con kể, chị tức giận mạt sát chồng không tiếc lời. Có rượu trong người, không kềm chế được, anh tát tai chị. Không vừa, chị lấy cái chén chọi lại rồi xưng “mày, tao” trong khẩu chiến. Hậu quả là đồ đạc đổ bể, đứa con sợ khóc thét, nhưng đau lòng hơn, vết rạn trong tình cảm của con người thì khó hàn gắn. Sau lần đó, trong những cuộc nói chuyện tay đôi, chị thường tìm những từ độc địa để xiên xéo, bóng gió chồng. Không khí trong gia đình nặng nề nên chồng chị càng không muốn về nhà. Như lửa đổ thêm dầu, chị đi nói xấu chồng với đồng nghiệp, họ hàng. Qua những lời “tô vẽ” của chị, chân dung chồng chị hiện lên như một người không có trái tim, chỉ biết ăn chơi trác táng, tệ bạc với vợ con. Chuyện trong nhà chị thực hư như thế nào không rõ, nhưng trước sự quá quắt của vợ, chồng chị đáp trả lại y như những gì chị bêu xấu bằng nhậu nhẹt bê tha hơn, thậm chí còn đi uống bia ôm. Khi thấy cái sai của mình thì sự việc đã đi quá giới hạn. Bây giờ, ngoài việc tìm cách lôi kéo chồng về, chị còn phải đối phó với những “cô ả chân dài” đang đe dọa hạnh phúc gia đình của mình nữa.

Mới đây, chị P., 31 tuổi, ở phường Hưng Lợi, tá hỏa khi nhận được thư của Tổ hòa giải khu vực mời ra bàn chuyện gia đình của chị vì anh chồng nộp đơn xin ly hôn. Trước mặt mọi người, chồng chị nói lên tất cả những nỗi bực dọc mà anh phải chịu đựng suốt 5 năm qua từ ... cái miệng của vợ nhà. Làm công chức nhà nước ở mảng xã hội nên anh thường đi sớm về khuya vì công tác. Mỗi khi trễ hẹn thì chị bù lu bù loa, cả xóm đều biết. Anh bức xúc nói: “Làm mệt nhưng đêm về ngủ chẳng yên vì vợ cứ cằn nhằn, chì chiết. Tôi góp ý thì bị chỉ trích kịch liệt. Khách vào thăm, khen nhà đẹp, con cái học giỏi thì cổ hãnh diện kể công mình, coi chồng không là cái đinh gì. Giận ở đâu cũng về trút lên đầu tôi. Tôi ráng nhịn cho qua thì cô ấy càng làm tới. Tôi muốn ly hôn không phải vì hết thương vợ mà chỉ muốn cảnh cáo để cô ấy thay đổi cách ăn nói, cư xử. Căn nhà là chốn quay về của mỗi người sau một ngày làm việc mệt nhọc nên ai cũng cần được thư giãn, nghỉ ngơi. Nhưng về nhà mà cứ bị vợ cằn nhằn hoài thì đi nhậu, ngủ ở cơ quan với mấy thằng bạn còn sướng hơn”. Chị P. ngồi im nghe chồng trút giận, ra chiều biết lỗi.

Nói cũng phải học

Chị Dương Thị Phương Lan, là một thành viên trong Ban hòa giải ở khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Trong cuộc sống vợ chồng, sẽ không tránh khỏi những lúc buồn bực. Nhưng hóa giải làm sao để có kết quả tốt đẹp là điều không phải ai cũng làm được. Nhiều chị em khi đụng chuyện chỉ biết nói cho hả giận mà không nghĩ đến hậu quả. Khi một người đầu óc đang căng thẳng mà người kia “đổ dầu” vào lửa bằng những lời trách cứ nặng nề thì rất dễ dẫn đến bạo lực. Tôi đã từng hòa giải nhiều vụ bất hòa giữa vợ chồng mà nguyên nhân ban đầu không có gì, chỉ tại người kia phát ngôn những câu nói không đúng, nói quá làm tổn thương đối phương. Tốt nhất khi bực tức chúng ta không nên nói nhiều vì mình không kiểm soát được lời nói và hành động của mình lúc đó”.

Một thẩm phán ở TAND TP Cần Thơ cho biết trong thời gian qua, có không ít vụ án gây thương tích đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn đến giết người thân trong gia đình cũng xuất phát từ những câu nói khích của nạn nhân. Những ông chồng lành tính thể có thể nhịn, nhưng có những ông dùng “võ mồm” và cả tay chân nữa thì bà vợ là người lãnh đủ. Tuy nhiên, cũng không phải tự nhiên mà các bà vợ thốt ra những lời lẽ kém văn hóa với chồng. Cái gì cũng có nguyên nhân. Nếu những ông chồng sống có trách nhiệm, hết lòng yêu thương vợ con thì đâu có cớ để bạn đời chê bai mình.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa ở đường Lê Bình, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết bí quyết giữ gìn hạnh phúc của chị không cao xa, chỉ là sự tôn trọng, chia sẻ và cảm thông với chồng. Chồng chị làm trong ngành công an ở Sóc Trăng, cuối tuần mới về thăm nhà. Không quản ngại cực khổ, chị tảo tần mở tiệm bán cơm nuôi hai đứa con gái học Đại học. Khó khăn nhưng không bao giờ chị than van hay cằn nhằn với chồng mà ngược lại còn động viên anh cố gắng công tác, chuyện nhà để chị lo. Mỗi khi chồng đi làm, chị chuẩn bị chu đáo quần áo, thuốc thang, thức ăn làm sẵn để anh mang theo. Theo anh Nghiệm, chồng chị Nghĩa, điều làm anh hài lòng nhất ở vợ hiền là thái độ mềm mỏng, luôn nói năng lịch sự với chồng con, hàng xóm láng giềng. Những khi anh nhậu nhẹt về trễ, chị chăm sóc chu đáo chứ không vì giận mà bỏ mặc. Có chuyện không vui chị cũng giữ trong lòng, đợi đúng dịp mới góp ý. Thấy vợ như vậy nên anh Nghiệm cũng tự điều chỉnh mình để giữ hòa khí gia đình. Chị Nghĩa bộc bạch: “Vợ chồng là đạo trọn đời nên phải vun đắp, gìn giữ trong từng cách ăn nói, ứng xử hàng ngày. Sống chung nhà lại càng phải cẩn thận, tránh xung đột. Người vợ khôn khéo là biết cách dùng lời nói để kéo chồng con vào quỹ đạo của mình nhưng không gây cảm giác áp đặt, xúc phạm”.

Bà Lưu Soái Huê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Lê Bình, quận Cái Răng, đúc kết: “Vợ chồng sống chung một thời gian chắc chắn sẽ có va chạm, quan trọng là mình phải biết cách điều tiết. “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đừng để mang họa vì những câu nói không biết kềm chế lúc nóng giận. Ông bà mình dạy: “Lời ngọt lọt tới xương”, nhưng muốn nói cho ngọt để đạt kết quả là cả một nghệ thuật cần phải học tập, rèn luyện. Vợ chồng phải tôn trọng nhau, cư xử tế nhị, không được to tiếng trước mặt con cái. Phải hiểu tánh ý nhau để cùng góp ý, sửa chữa. Muốn sống chung lâu dài thì phải độ lượng, vị tha, chấp nhận nhau”.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết