01/05/2024 - 09:36

Cơ hội rộng mở cho lĩnh vực xuất khẩu lao động 

Với số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kỷ lục 155.000 người và mang về lượng kiều hối lên tới 4 tỉ USD trong năm 2022, tình hình xuất khẩu lao động của cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đang có nhiều cơ hội phát triển trong năm nay.

Các lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Với hơn 500 cơ quan, doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm, khoảng 120.000-143.000 lao động được đưa ra nước ngoài làm việc.

Đáng chú ý, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với khoảng 155.000 người, tăng 8,55% so với năm 2022. Nhật Bản là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với hơn 74.300 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) hơn 54.700 người, Hàn Quốc hơn 7.800 người, Trung Quốc hơn 1.700 người, Hungary hơn 1.400 người, Singapore hơn 1.300 người, Romania 804 người, Ba Lan 760 người, Saudi Arabia 205 người...

Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang tập trung khai thác, phát triển thị trường lao động tại một số nước thuộc châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng dần qua từng năm, từ 465 người vào năm 2021, lên 775 người trong năm 2022 và tiếp tục tăng lên hơn 1.400 người vào năm 2023. Các thị trường xuất khẩu lao động mới đang được nhắm tới mở rộng là Hy Lạp, Ba Lan, Đức, Slovakia, Croatia...

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó, lĩnh vực sản xuất chế tạo (gồm cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...) chiếm 80%, còn lại là lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (gồm chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc nhà). Người lao động Việt Nam được đánh giá rất cao về tính cần cù và trách nhiệm, cũng như được bảo đảm về điều kiện làm việc và có thu nhập cao, ổn định. Mức lương, thu nhập của người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc hiện cao nhất, khoảng 1.600-2.000 USD/người/tháng, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD/người/tháng, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu khoảng 800-1.200 USD/người/tháng.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ giúp người lao động cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về nước đạt khoảng 3,5-4 tỉ USD/năm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động và mở rộng thị trường mới

Năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa ít nhất 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ổn định và duy trì các thị trường hiện có, đồng thời phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã đưa được 23.195 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 18,56% kế hoạch. Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 17.067 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 4.294 lao động, Hàn Quốc 419 lao động.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, Bộ LĐ-TB&XH chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ theo dõi, nắm bắt thông tin về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phát huy vai trò, tiềm năng của lực lượng lao động ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa... nhằm tận dụng sở trường của người lao động.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 225/NQ-CP, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp họ nâng cao kỹ năng nghề để tăng thu nhập, giảm nghèo, nhất là đối với lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn.     

QUỲNH LAM (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết