30/01/2024 - 09:46

Nga xích lại gần Triều Tiên 

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui mới đây tại thủ đô Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẵn sàng đến thăm Triều Tiên trong thời gian sớm nhất, đồng thời bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Bình Nhưỡng về sự ủng hộ và đoàn kết với Mát-xcơ-va trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Tổng thống Nga Putin (trái) trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Theo Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông, chuyến đi tới Triều Tiên của ông Putin có thể diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3. “Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đánh dấu mối quan hệ Nga - Triều Tiên như là một liên minh trên thực tế” - ông Lukin cho hay. Ông Putin từng sang thăm Triều Tiên sau khi lên làm tổng thống năm 2000. Như vậy, nếu được xác nhận thì chuyến công du Bình Nhưỡng sắp tới sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin kể từ khi nhà lãnh đạo xứ bạch dương tới đây để hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cách đây hơn 23 năm.

Ramon Pacheco Pardo, Chủ tịch Chương trình nghiên cứu Hàn Quốc tại Trường Quản trị Brussels, cho biết chuyến thăm của ông Putin sẽ giúp ông Kim phát đi tín hiệu tới Trung Quốc rằng ông “vẫn còn nhiều đối tác”. “Do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ như không sẵn sàng công khai đứng về phía ông Kim như ông Putin nên chuyến thăm này đặc biệt quan trọng đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên” - ông Pardo nhận định.

Trước đó, Tổng thống Putin hồi tháng 9 năm ngoái đã gặp ông Kim tại thành phố Vladivostok để thảo luận về hợp tác quân sự và công nghệ. Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin cam kết hỗ trợ công nghệ cho chương trình vệ tinh của Triều Tiên trong khi ông Kim được cho đồng ý cung cấp thêm vũ khí cho Nga. Kể từ đó, phía Mỹ cho biết Bình Nhưỡng đã cung cấp tên lửa đạn đạo cùng hàng trăm ngàn quả đạn pháo cho Mát-xcơ-va và Nga đã sử dụng trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, Triều Tiên và Nga phủ nhận thông tin này của Mỹ.

Ông Pardo nhận định, Triều Tiên sau chuyến thăm của Tổng thống Putin sẽ tiếp tục thu được nhiều lợi ích kinh tế từ Mát-xcơ-va, chẳng hạn như được hỗ trợ tiền mặt, được chuyển giao năng lượng và công nghệ, trong khi quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ giúp bảo vệ Bình Nhưỡng trước sự chỉ trích của quốc tế. “Nhờ sự hậu thuẫn của Nga, Triều Tiên sẵn sàng công khai đe dọa Mỹ và Hàn Quốc. Nó như là một vỏ bọc ngoại giao mạnh mẽ cho Bình Nhưỡng tại LHQ. Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng đã liên tục tìm đến Mát-xcơ-va để yêu cầu hỗ trợ về mặt ngoại giao, kinh tế và quân sự nhưng đây là lần đầu tiên Nga cần thứ gì đó mà Triều Tiên có” - ông Pardo cho hay.

Theo ông Lukin, sự hợp tác quân sự gần gũi giữa Nga và Triều Tiên có thể giúp điều chỉnh cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên vốn lâu nay nghiêng về liên minh Mỹ - Hàn. Nói cách khác, nếu Triều Tiên được tăng cường quân sự với sự hỗ trợ của Nga thì sẽ thúc đẩy sự răn đe lẫn nhau tại khu vực.

Song, ngay cả khi không có quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Nga, Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ tăng cường đưa ra các mối đe dọa nhằm chống lại liên minh Mỹ - Hàn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Mới nhất, Triều Tiên hôm 28-1 đã phóng thử tên lửa hành trình chiến lược mới Pulhwasal-3-31 từ tàu ngầm. Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin, tên lửa này bay trong hơn 2 giờ rồi đánh trúng các mục tiêu định sẵn trên một hòn đảo ở Biển Nhật Bản. Ông Kim giám sát vụ phóng và gọi đây là cuộc thử nghiệm thành công, “có ý nghĩa chiến lược đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội, xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh”. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết