22/10/2023 - 10:47

Mỹ, Trung chạy đua phát triển “robot AI sát thủ” 

Báo cáo mới đây của Hãng tin Reuters cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc đua phát triển vũ khí mới do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển. Và cuộc đua này được cho có thể quyết định cán cân quyền lực thế giới.

Mô hình tàu ngầm “Cá mập ma”. Ảnh: The Maritime Executive

Giống như nhiều cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, chạy đua vũ trang về AI luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, bởi nó tạo ra nhiều “robot sát thủ” do AI điều khiển như tàu ngầm, tàu chiến, chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV) cũng như các phương tiện chiến đấu tự hành. Theo giới phân tích quân sự, những “robot sát thủ” này có khả năng cơ động hỏa lực và thay đổi cách chiến đấu. Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là sự ra đời của Ghost Shark (Cá mập ma), tàu ngầm không người lái với sự hỗ trợ của AI. Ghost Shark có kích thước bằng một chiếc xe buýt, dài 5,8m, nặng 2,8 tấn, có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ trong tối đa 10 ngày dưới đáy biển, ở độ sâu lên tới 6km và có thể sống sót trong các cuộc diễn tập mà các phương tiện quân sự thông thường không thể thực hiện được.

Chương trình “Cá mập ma” là một phần trong thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng giữa Úc với Mỹ theo Thỏa thuận AUKUS do Hải quân Hoàng gia Úc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Úc và Công ty công nghệ quốc phòng Mỹ Anduril Industries hợp tác phát triển trong vòng 3 năm, tính từ tháng 3-2022, với ngân sách trị giá 140 triệu AUD (khoảng 95 triệu USD). Theo Chuẩn đô đốc Peter Quinn, Giám đốc Cơ quan Năng lực Hải quân của Hải quân Hoàng gia Úc, các phiên bản “Cá mập ma” chính thức sẽ được sản xuất ngay tại xứ chuột túi, được trang bị hệ thống AI tiên tiến nhất, có khả năng cơ động cao, với nhiều tùy chọn trang bị phục vụ các nhiệm vụ có độ nguy hiểm cao, trong các điều kiện phức tạp dưới đáy biển như trinh sát, theo dõi, gây nhiễu, phá hoại, rải ngư lôi, mang tên lửa chống tàu ngầm, thậm chí là tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, quân đội Mỹ còn hợp tác với Teledyne FLIR để sản xuất UAV Black Hornet 3 vốn hiện đang được nhiều quân đội dùng cho việc trinh sát thu thập tin tức một cách nhanh chóng và cơ động như tìm kiếm cứu nạn, quan sát khu vực, theo dõi mục tiêu, kiểm tra các khu vực thảm họa hóa học…Black Hornet 3 có trọng lượng 32g, dài 168mm, động cơ chính 123mm được cải tiến để nhận biết tình huống và hoạt động gần như vô hình bởi độ ồn thấp. Black Hornet 3 được thiết kế nhựa nguyên khối, bền, có khả năng hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt với nhiệt độ môi trường từ -10°C đến 40°C, sức gió 27-37km/h. So với thế hệ đầu tiên, tầm hoạt động cùng tốc độ bay của Black Hornet 3 đã tăng gấp đôi với tốc độ bay 21km/h. Black Hornet 3 được nâng cấp hình ảnh chất lượng cao, truyền trực tiếp về người điều khiển độ phân giải HD. 3 camera phía trước có khả năng zoom gồm 2 camera điện quang học EO và 1 camera hồng ngoại nên Black Hornet 3 có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Về phần mình, tại Triển lãm Quốc tế Hàng không lần thứ 14 tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Ðông hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã giới thiệu mô hình máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) mang tên FH-97A có thiết kế tương tự như tiêm kích Thành Ðô J-20. FH-97A được thiết kế để đối đầu với các UAV tầm trung và lớn, cũng như các máy bay có người lái, như máy bay cảnh báo sớm, máy bay ném bom chiến lược và máy bay tác chiến điện tử. FH-97A có thể mang 8 tên lửa không đối không thông minh cỡ nhỏ hoặc loại đạn bay, có thể hỗ trợ khi J-20 thiếu đạn. Ðược biết, J-20 chỉ có thể mang 4 tên lửa không đối không tầm trung hoặc xa trong khoang chính và một tên lửa tầm ngắn trong mỗi khoang phụ. Mẫu UAV chiến đấu tốc độ cao này được báo chí phương Tây gọi là nhân bản của Kratos XQ-58A Valkyrie vốn được Mỹ thiết kế để bay cùng các tiêm kích F-35 hoặc F-22 và tự điều hướng.

Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh phát triển “robot sát thủ” nhưng thật khó để nói Washington hay Bắc Kinh sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua phát triển vũ khí do AI điều khiển này. Trung Quốc đến nay không công bố bất kỳ chi tiết nào về việc tăng chi tiêu cho quốc phòng, gồm cả chi tiêu cho AI. “Thách thức lớn nhất là chúng tôi không thực sự biết người Trung Quốc giỏi đến mức nào, đặc biệt là khi nói đến các ứng dụng quân sự liên quan tới AI. Trung Quốc rõ ràng đang có những nghiên cứu đẳng cấp thế giới” - Martijn Rasser, cựu chuyên gia phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và hiện là giám đốc điều hành của Datenna, cho biết.

Trong bối cảnh đó, báo cáo của Reuters cảnh báo rằng nếu Mỹ không hành động, nước này có thể chứng kiến sự thay đổi trong cán cân quyền lực trên toàn cầu và việc Trung Quốc tham gia vào cuộc đua phát triển “robot AI sát thủ” sẽ là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình và sự ổn định mà Washington đã đảm bảo trong gần 80 năm ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Phát biểu với kênh Fox News Digital, ông Ziven Havens - giám đốc chính sách của Dự án Bull Moose (Mỹ) nhận định công nghệ quân sự được hỗ trợ bởi AI sẽ thay đổi chiến tranh mãi mãi. “Tình trạng hiện tại của thế giới, cùng với một cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn ở Ðài Loan, càng chứng tỏ rằng việc Mỹ không phải là nước dẫn đầu về công nghệ AI sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trở nên kém an toàn hơn”, ông Havens cảnh báo.​

Chia sẻ bài viết