18/04/2019 - 19:50

Mỹ thách thức đồng minh 

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lại khiến dư luận “dậy sóng”, thậm chí gia tăng nguy cơ đối đầu với các nước đồng minh sau khi công bố loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Cuba, Venezuela và Nicaragua.

Một khu phố ở Thủ đô Havana. Ảnh: AFP

Đảo ngược nỗ lực của người tiền nhiệm Barack Obama trong quan hệ với Cuba, chính quyền Trump hôm 17-4 cho biết Mỹ sẽ thực thi Điều 3 Đạo luật Helms-Burton gây tranh cãi, cho phép công dân Mỹ kiện các công ty, cá nhân nước ngoài đang hưởng lợi dựa trên tài sản của họ bị Chính phủ Cuba quốc hữu hóa sau cuộc cách mạng năm 1959. Những người Cuba đã rời khỏi đất nước và trở thành công dân Mỹ cũng được phép nộp đơn kiện theo chính sách mới. 

Điều 3 Đạo luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 vốn bị các đời tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa khước từ do vấp phải phản đối của cộng đồng quốc tế cũng như nguy cơ mở ra hàng loạt vụ kiện tụng chống lại các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đạo luật nói trên sẽ thực thi đầy đủ vào ngày 2-5. 

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng nhấn mạnh bất cứ ai kinh doanh tài sản bị tịch thu từ người Mỹ sẽ không được cấp thị thực vào nước này. Ông còn cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp dụng một số thay đổi để chấm dứt thủ tục “giao dịch xoay vòng” cho phép Havana lách lệnh trừng phạt và tiếp cận nguồn tài chính cùng hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, Washington sẽ siết chặt những chính sách được nới lỏng dưới thời Tổng thống Obama về thị thực và đặt giới hạn mới về số tiền mà các gia đình ở Mỹ gửi cho người thân ở Cuba. Đặc biệt, hoạt động giao dịch tài chính trực tiếp với một số thực thể gắn liền các dịch vụ quân sự, tình báo và an ninh Cuba cũng bị cấm. Ngoài quốc đảo vùng Caribe, Mỹ còn áp trừng phạt lên ngân hàng trung ương Venezuela cũng như ngân hàng Bancorp của Nicaragua và con trai Tổng thống nước này, Laureano Ortega.

Theo giới quan sát, loạt động thái mới từ chính quyền Trump đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ với Cuba trong bối cảnh quan hệ song phương tiếp tục giảm mạnh sau những chuyển biến lịch sử dưới thời chính quyền Obama. Đây cũng là đòn giáng vào nỗ lực của Havana nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trên Twitter, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez lên án quyết định của Mỹ là “cuộc tấn công vào luật pháp quốc tế, chủ quyền Cuba”. 

Chế tài nhắm vào Cuba được đưa ra khi chính quyền Trump đang từng bước gia tăng sức ép lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và những nước ủng hộ Caracas. Theo lập luận của Mỹ, sự hỗ trợ về an ninh và tình báo của Havana là yếu tố quan trọng giúp Tổng thống Maduro duy trì quyền lực. Ông Bolton hôm 17-4 cảnh báo “các thế lực bên ngoài, bao gồm Nga” chớ nên có “những hành động khiêu khích” nhằm ủng hộ ông Maduro. Tuy nhiên, hành động của Washington chống lại Cuba đang bị các quốc gia đồng minh gồm Liên minh châu Âu (EU) và Canada phản đối khi các doanh nghiệp của họ đang đầu tư hàng tỉ USD vào hệ thống khách sạn, nhà máy chưng cất, nhà máy thuốc lá và các tài sản khác tại đây. EU và Canada trong tuyên bố chung cho biết “rất thất vọng” trước quyết định của Washington, đồng thời cảnh báo sẽ khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc có động thái trả đũa khác. 

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một số khiếu nại lớn nhất nếu áp theo luật Helms-Burton sẽ liên quan các tập đoàn Office Depot, Exxon Mobil và Coca Cola. Kimberly Breier, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu hôm 17-4 cho biết khoảng 6.000 khiếu nại đã được ghi nhận và con số này có khả năng lên tới 200.000 với giá trị hàng chục tỉ USD.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết