23/04/2009 - 20:35

Mỏi mòn chờ nước sạch...

Từ mấy năm nay, các hộ nghèo ở khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận Ô Môn sử dụng nước ô nhiễm dưới rạch trong sinh hoạt thường nhật.

Gần đây, bà con khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận Ô Môn vui vì cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn 15 hộ nghèo với mấy chục nhân khẩu vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Hàng ngày bà con phải sử dụng nước ở con rạch nhỏ phía trước nhà đang bị ô nhiễm. Bà con cho biết, hiện xóm này ngại tiếp khách xa, bởi khách vào nhà ngồi nói chuyện sẽ không chịu nổi mùi hôi từ con rạch cứ xộc vào mũi rất khó chịu. Chị Trần Thị Thu Phương, Chi hội Trưởng Phụ nữ khu vực Bình Hòa A, cho biết: “Hổm rày, sáng nào trên đoạn rạch nhỏ này cũng có các loại cá ngộp chết nổi lềnh bềnh, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng”.

Thường nhật, nhiều bà con canh nước lớn, múc lên từng thùng, đổ đầy lu, lóng phèn để vài giờ là sử dụng, thậm chí có hộ còn vô tư dùng làm nước uống trực tiếp, không cần nấu chín. Mới tuần trước, con trai chị Xuân Hòa trong khu vực, vừa đi học về đến nhà, chưa kịp thay quần áo đã chạy đến lu múc nước uống ngon lành. Một giờ sau, cháu kêu đau bụng và cơn đau mỗi lúc một dữ dội hơn, vợ chồng chị Xuân Hòa vội vàng đưa cháu đến Trạm y tế phường. Chị Xuân Hòa nói: “Từ trước đến nay, cả nhà tui đều uống như vậy, thỉnh thoảng cũng đau bụng, tiêu chảy, uống thuốc vào thì hết đau...”.

Cùng hoàn cảnh và suy nghĩ như thế nên chị Phạm Thị Dung, một hộ nghèo trong khu vực hàng ngày dùng nước dưới rạch lóng phèn, rửa rau, làm cá và chế biến thức ăn. Đưa cánh tay vẫn còn nhiều vết tích các đốt mẩn ngứa, chị Dung than: “Sau khi tắm xong, khắp người tôi nổi lên những nốt đỏ ngứa và rát. Đi khám và xin thuốc uống ở Trạm y tế phường thì biết là mình bị viêm da tiếp xúc”. Đáng lo nhất là chị Thu Phương, mặc dù đang bị bệnh phụ khoa khá nặng nhưng vẫn phải sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hàng ngày.

Bà con trình bày nỗi khổ khi phải sử dụng thường xuyên nguồn nước bị ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe, trong đó có nhiều trẻ em. Nhưng nói về biện pháp khắc phục thì hầu như các hộ... đành chịu, vì bà con đều làm thuê kiếm sống qua ngày, không có khả năng khoan cây nước.

Theo cán bộ địa phương, trước đây, phường Phước Thới đã có kế hoạch xây dựng cây nước tập trung ở khu vực này, nhưng do nhiều hộ đã có cây nước riêng (hiện nay, khoảng 95% hộ dân ở khu vực Bình Hòa A có cây nước) nên kế hoạch này phải gác lại. Phường cũng có đề nghị cho các hộ chưa có cây nước được vay vốn để khoan cây nước cá nhân, nhưng đến nay do trở ngại từ nhiều phía vẫn chưa thực hiện được. Trước tình hình này, chính quyền địa phương từ phường đến khu vực, tổ tập trung tuyên truyền vận động người dân ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Về vấn đề này, Bà Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, nói: Sở đã trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đề ra các phương án để giải quyết nguồn nước sạch cho các hộ dân ở khu vực Bình Hòa A, là: Địa phương cấp khoảng đất trống để xây dựng trạm nước sạch; nếu khu vực này gần với Trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn phường thì sẽ kéo đường ống nước hoặc xây dựng cây nước tập trung cho các hộ nghèo ở đây sử dụng... Dự kiến, đến cuối tháng 4-2009, Sở LĐ-TB&XH kết hợp với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát đời sống sinh hoạt của các hộ nghèo trong khu vực, để có kế hoạch hỗ trợ nguồn nước sạch trong thời gian sớm nhất.

Nghe được thông tin này, bà con nghèo khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới sẽ rất phấn khởi vì sẽ có được nước sạch sử dụng, sinh hoạt hàng ngày. Điều quan trọng là ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nhanh chóng xúc tiến để kế hoạch này sớm trở thành hiện thực, đừng để bà con nơi đây tiếp tục chờ đợi và chịu đựng cảnh ô nhiễm nguồn nước kéo dài.

Bài, ảnh: NGUYỄN KỲ

Chia sẻ bài viết