26/04/2009 - 20:24

Mang quốc tịch Úc, có quyền ủy quyền thừa kế tài sản cho em gái ở Việt Nam?

Hỏi: Cha tôi đã qua đời và có để lại cho anh trai tôi thừa kế 1.000 m2 đất. Hiện anh trai tôi đã có quốc tịch Úc và đang định cư bên Úc. Xin hỏi anh trai tôi có quốc tịch Úc, anh trai tôi muốn ủy quyền cho tôi thừa kế phần đất 1.000 m2 đó. Vậy anh trai tôi có quyền ủy quyền cho tôi thừa kế phần đất đó không? Luật của nước Việt Nam có cho một người có quốc tịch ở nước khác ủy quyền tài sản cho một người có quốc tịch Việt Nam không? Nếu được, thì anh trai tôi và tôi cần phải làm những thủ tục gì và đến cơ quan nào?

THU LAN (Bình Thủy)

Trả lời: Vấn đề thắc mắc của bạn đọc Thu Lan được Luật sư Ngô Công Minh (Cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Cần Thơ) giải đáp như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành không có điều khoản nào quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền ủy quyền thừa kế, mà chỉ có việc người thừa kế trực tiếp đến Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng để công chứng các văn bản về thừa kế như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng, cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

2. Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để xác định lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản hoặc là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng tiến hành xác minh.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản (Điều 49 Luật Công chứng).

Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu như người đó có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thuộc đối tượng được quy định tải khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2003 thì có quyền ủy quyền tài sản của mình cho người khác, nếu như người đó ở nước ngoài thì giấy ủy quyền được lập phải hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng thừa kế di sản mà thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 điều 121 Luật Đất đai 2003 thì được đứng tên sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nếu không thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.

Trường hợp của chị Thu Lan, chị có thể đến Phòng Công chứng để được tư vấn về các thủ tục thực hiện quyền hưởng di sản thừa kế của người anh trai.

THÙY TRANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết