07/04/2024 - 18:08

Leo thang căng thẳng Nga - Pháp 

Quan hệ Nga - Pháp tiếp tục rơi vào ngờ vực sau tuyên bố cuối tuần rồi của người đứng đầu Ðiện Élysée rằng ông không nghi ngờ việc Mát-xcơ-va có “ác ý” nhắm tới Thế vận hội Mùa hè 2024 mà Paris đăng cai tổ chức.

Tổng thống Macron trò chuyện với các em nhỏ sau màn trình diễn bơi lội trong lễ khánh thành trung tâm thể thao. Ảnh: Reuters

Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra nhận xét trên khi ông dự lễ khánh thành trung tâm thể thao dưới nước phục vụ Olympic Paris 2024. Theo dự kiến, sự kiện đang được mong đợi trên toàn cầu này sẽ diễn ra từ ngày 26-7 tới 11-8 trong bối cảnh thế giới tiếp tục bất ổn, làm phức tạp thêm nỗ lực đảm bảo an ninh của nước chủ nhà Pháp. Và bình luận trên là thừa nhận rõ ràng nhất của Tổng thống Macron cho đến nay về các mối đe dọa nước ngoài đối với quá trình vận hành trơn tru của kỳ Olympic thứ 33 trong lịch sử.

Một trợ lý của Tổng thống Pháp từ chối xác nhận tuyên bố của ông Macron liệu có liên quan thông tin tình báo cụ thể về nỗ lực can thiệp của Nga hay không. Tuy nhiên, người này cho biết thái độ của Nga vài tháng qua đã cứng rắn hơn trong bối cảnh Pháp đưa ra quan điểm rõ ràng về cuộc chiến ở Ukraine. Trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 3-4 đã có một số trao đổi hiếm hoi với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ðây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 10-2022, nhưng nội dung sau đó lại là nguồn cơn cho những tranh cãi ngoại giao mới.

Theo thông báo từ Nga, Bộ trưởng Shoigu và ông Lecornu đã thảo luận về tiềm năng các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, đồng thời ám chỉ cơ quan mật vụ Pháp liên quan vụ khủng bố nhà hát Crocus ở Nga khiến hơn 140 người thiệt mạng. Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Pháp nói rằng Bộ trưởng Lecornu trong cuộc điện đàm chỉ tập trung thảo luận khả năng 2 nước tăng cường trao đổi thông tin trong cuộc chiến chống khủng bố khi Paris đối mặt các mối đe dọa gia tăng trước thềm Olympic Paris 2024. Ông cũng kêu gọi Nga chấm dứt “thao túng” dư luận về vụ việc ở nhà hát Crocus, xác nhận thêm rằng Pháp không có thông tin nào cho thấy vụ tấn công liên quan Ukraine. Bộ trưởng Lecornu còn lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cho biết Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev “miễn là còn cần thiết”.

Trong phát biểu sau đó, Tổng thống Macron chỉ trích nhận xét Nga đưa ra là rất “kỳ quặc” và mang hơi hướng đe dọa, rằng bất kỳ sự ám chỉ nào cho rằng Pháp hay Ukraine có thể liên quan vụ tấn công ở Nga đều “vô nghĩa và phi thực tế”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thì lên án Nga sử dụng cuộc điện đàm theo cách không thể chấp nhận và coi đây là minh chứng cho sự “thao túng cực độ” vì mục đích tuyên truyền. Cựu Tổng thống Pháp François Hollande thậm chí còn khuyến nghị Chính phủ Pháp không liên lạc với Nga.

Theo tờ Politico, màn đáp trả qua lại phản ánh mối quan hệ giằng co giữa Nga và Pháp khi ông Macron chuyển từ tìm kiếm giải pháp ngoại giao sang kêu gọi hỗ trợ để Ukraine giành chiến thắng, thậm chí cảnh báo quân đội phương Tây có thể được điều động tới Kiev. Ðiện Élysée gần đây còn cho thấy thái độ quyết liệt trước các cuộc tấn công bằng tin giả mà Nga bị tố đứng sau chỉ đạo, bao gồm thông tin sai lệch nhằm vào Ðệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron và cáo buộc Pháp phối hợp Ba Lan lên kế hoạch chia cắt Ukraine. Trước cái gọi là nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn khắp châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết nước này sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với những người đứng sau việc truyền bá thông tin sai lệch.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết