03/11/2015 - 22:00

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL

Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn

* Thanh Long

Bài 3: Lộ diện bất ổn từ nội tại và cơ chế

Dù tỏ rõ ưu thế của một mô hình hợp tác hiện đại, hiệu quả nhưng cánh đồng lớn (CĐL) ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều mắc mứu xuất phát từ nội tại các tác nhân tham gia mô hình, từ cơ chế, chính sách… Đó là: nguồn lực từ doanh nghiệp chưa đủ mạnh, nông dân chưa thích ứng mô hình liên kết, cơ chế chính sách chưa thỏa đáng… Tất cả những vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm của các ngành hữu quan trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết, giúp CĐL trở thành mô hình cấp tiến hơn.

Khả năng thích ứng của nông dân chưa cao

Là một trong những tác nhân chính, quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất lúa trong CĐL, nhưng do diện tích đất mỗi hộ ít, trình độ không đồng đều nên khả năng đầu tư, việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của nhiều nông dân còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu "mạnh ai nấy làm" và tổ chức sản xuất chưa tốt khiến sản xuất không đúng chất, không đủ lượng, không đúng thời điểm không đạt giá trị cao. Chính vì vậy, rất khó để ứng dụng tiến bộ khoa học, chỉ đạo thực hiện áp dụng các quy trình kỹ thuật một cách đồng bộ, nhất quán theo cùng một thời điểm và cùng một tiêu chí. Đây là trở ngại rất lớn của ngành trồng lúa của vùng ĐBSCL và cả nước.

Sản xuất nhỏ, lẻ còn nhiều yếu kém nhưng theo nhiều ý kiến, nhìn chung, vẫn còn một bộ phận nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn chưa hiểu hoặc nghi ngại việc làm ăn tập thể. Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh ĐồngTháp, lý giải: Dù biết vào hợp tác xã sẽ thuận lợi hơn trong tiêu thụ hàng hóa nhưng "cái bóng" của hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn nên nhiều nông dân chưa chấp nhận tham gia. Mặt khác, nếu vào làm ăn tập thể như hiện nay, phải sản xuất lúa theo yêu cầu của doanh nghiệp; phải hành động tập thể để cùng đạt hiệu quả cao nhất; đặc biệt, phải sản xuất theo GAP để nâng cao chất lượng lúa thương phẩm. Tuy nhiên, nhiều nông dân rất ngại hoặc quên khâu ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng dẫn đến nhiều sai xót trong ghi chép nhật ký đồng ruộng hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của từng chỉ tiêu theo dõi, chưa phản ánh đúng thông tin trong quá trình sản xuất. Thêm vào đó, trong quá trình sản xuất, do chạy theo cái lợi trước mắt, bán lúa cho thương lái nên tình trạng nông dân "bẻ kèo", không tuân thủ hợp đồng với doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. "Phần lớn Ban quản lý CĐL, hoặc Ban Quản trị hợp tác xã, tổ hợp tác do nông dân đảm nhận nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận động nông dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất trên quy mô lớn. Năng lực nội tại của các mô hình kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng hiện có, chưa phát triển thêm các dịch vụ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nên hiệu quả hoạt động, nhất là sản xuất kinh doanh chưa cao", ông Nguyễn Ngọc Huấn, Trưởng Ban Quản lý CĐL ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, hầu hết nông dân vẫn còn thói quen bán lúa tươi tại ruộng. Việc phơi khô, xử lý ẩm độ lúa theo hợp đồng, đa số nông dân không thực hiện được do thiếu hệ thống phơi sấy lúa, nhất là lúc cao điểm chính vụ đông xuân. Do vậy, buộc các doanh nghiệp thu mua phải xử lý ẩm độ đồng thời một lượng lúa tươi rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong triển khai thu mua lúa trong CĐL. Bên cạnh đó, một số nông dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích tham gia cánh đồng, vẫn còn nặng tư duy và thói quen sản xuất lúa chất lượng thấp, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi chuyển dịch cơ cấu giống lúa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình CĐL từng lúc, từng nơi chưa đạt yêu cầu.

Hạn chế về nguồn vốn, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại khó tiếp cận cơ chế, chính sách để tăng nguồn lực phát triển sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động thu mua, chế biến gạo tại Công ty Lương thực Sóc Trăng. Ảnh: CTV

Nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế

Trong xu thế phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong tạo lập thị trường, định hướng tổ chức sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, "chúng ta đã biết, việc đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, trong đó có ngành sản xuất lúa gạo gặp rất nhiều rủi ro từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do vậy, ít có doanh nghiệp dám đầu tư trọn gói từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đa số chỉ đầu tư vào khâu dịch vụ cung ứng vật tư cho sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã ít nhưng lại khó tìm doanh nghiệp có tâm huyết và biết chia sẻ khó khăn, lợi nhuận với người trồng lúa", PGS. TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng bộ phận thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chia sẻ.

Trong khi đó, những doanh nghiệp tích cực tham gia CĐL nhưng nguồn lực có hạn, thiếu vốn để thu mua sản phẩm (do phải mua một lượng lớn lúa trong cùng một thời điểm), đầu tư cho máy sấy, kho bãi; trong khi tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng còn khó khăn; nhiều doanh nghiệp chưa có thị trường nên phải bán gạo cho doanh nghiệp xuất khẩu... Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, TP Cần Thơ, cho biết: Trong mô hình CĐL, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, yêu cầu nông dân sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của mình và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân làm ra. Nông dân chỉ tuân thủ thực hiện các kế hoạch, quy định, quy trình của doanh nghiệp yêu cầu. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp là chủ yếu. Và nguồn vốn này nếu không có hoặc thiếu một khâu thì khó thực hiện mô hình CĐL. Theo ông Phạm Thái Bình, nếu doanh nghiệp thực hiện CĐL khoảng 20.000 ha thì vốn bắt buộc phải có để đầu tư là 1.560 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngắn hạn (tối thiểu khoảng 5 tháng) khoảng 960 tỉ đồng để đầu tư giống, phân thuốc bảo vệ thực vật đầu vụ và trả tiền mua lúa tại ruộng cho nông dân. Nguồn vốn này, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ có phương án dựa theo các quyết định, thông tư, thông báo… của chính phủ và các bộ, ngành hữu quan. Nhưng khoảng 600 tỉ đồng nguồn vốn trung hạn đầu tư nhà máy sấy, các silo lúa gạo…, doanh nghiệp chỉ còn trông chờ vào cơ chế vay đặc thù của nhà nước đối với đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu. "Để thu mua lúa tận ruộng cho nông dân, công ty phải trung chuyển qua 1-2 giai đoạn: Đầu tiên là từ ruộng nông dân tới phương tiện chuyên chở trong kênh không quá 10 tấn. Từ đây, vận chuyển ra sông dùng những phương tiện 100-200 tấn gom lại, bốc dở để trung chuyển về các xí nghiệp, các kho đã có… Qua sơ kết vụ đông xuân 2014-2015, giá thành lúa khô của công ty nhập kho cao hơn thương lái chở lúa khô đến công ty gần 300 đồng/kg. Đây là bất cập và là cản lực không nhỏ trong điều kiện nguồn lực của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn" – ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) nói.

Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Những bất ổn nội tại của CĐL là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Chuyện "bẻ kèo" khi thị trường có biến động đã diễn ra ở cả 2 phía doanh nghiệp và nông dân. Điều đáng nói, bên thiệt hại không làm gì được. Bởi hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể để xử lý. Doanh nghiệp đầu tư, ứng giống cho nông dân khi bị "xé hợp đồng" không biết kêu ai. Ngược lại, để đáp ứng điều kiện được xuất khẩu gạo, có xu hướng doanh nghiệp hợp thức hóa việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu hơn là quyết tâm hợp tác thực sự. Doanh nghiệp quay lưng với nông dân khi giá gạo xuống thấp. "Những thực tế này cần một cơ chế để bảo vệ các mối quan hệ mới một cách hữu hiệu qua CĐL. Nhìn rộng ra là cơ chế pháp lý về liên kết vùng ĐBSCL, trong đó có liên kết doanh nghiệp và nông dân" – ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành mới và sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để tăng nguồn lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới; trong đó có phát triển CĐL. Cụ thể: Chính phủ có Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8-1-2010 về khuyến nông; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 về phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (gọi tắt là QĐ 68) thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011… Đặc biệt, gần đây Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL... Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách này theo phản ánh còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Vinafood II, cho rằng: "Nhiều quy định ưu đãi cho doanh nghiệp chưa thỏa đáng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ: Theo QĐ 68 để được hưởng ưu đãi lãi suất, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống kho, nhà máy, lò sấy tại vùng nguyên liệu. Điều này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp mới thành lập, mới phát triển. Còn đối với những doanh nghiệp hoạt động lâu năm như Vinafood II, cơ sở vật chất hình thành và đang hoạt động không tại vùng nguyên liệu. Việc đầu tư mới sẽ không đạt hiệu quả. Đây là một bất cập!".

***

Theo các chuyên gia, thực tiễn vừa qua ở ĐBSCL cho thấy, sản xuất lúa gạo trong CĐL vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Tất cả đang đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế, chính sách đồng bộ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng mô hình CĐL thành công chắc chắn sẽ là những bài học quý báu để CĐL tiếp tục là xu thế, là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai.

(Còn tiếp)

Bài 4: Kinh nghiệm nhân rộng cánh đồng lớn

Chia sẻ bài viết