03/07/2019 - 09:01

Iran với “phép thử” hạt nhân 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-7 cảnh báo Iran đang “đùa với lửa” sau thông tin Cộng hòa Hồi giáo phá vỡ hạn chế về lượng uranium tinh chế theo thỏa thuận hạt nhân 2015.

Người biểu tình Iran xuống đường phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ảnh: AFP

Người biểu tình Iran xuống đường phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ảnh: AFP

Theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran đồng ý giới hạn kho dự trữ uranium được làm giàu cấp độ 3,67% ở mức 300kg. Nước này từng làm giàu uranium độ tinh khiết 20% và việc nâng lên 90% (cấp độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân) sẽ không mất nhiều thời gian.

Tháng rồi, Iran tuyên bố tăng khối lượng uranium dự trữ trên mức quy định cũng như cấp độ làm giàu từ 3,67% lên 3,7% từ ngày 27-6. Quyết định được đưa ra sau hơn một năm Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và liên tiếp gây sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt. Căng thẳng ngày một leo thang, đặc biệt trên phương diện quân sự, sau khi Washington đổ lỗi cho Tehran về các cuộc tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và mới đây Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

Mỹ giúp đoàn kết các phe phái ở Iran 

 Ngày 2-7, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố những lời đe dọa của Mỹ đã đoàn kết các phe phái chính trị ở Iran.

Trong phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, ông Larijani nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump “cần phải hiểu rằng khi một ai đó dùng những ngôn từ bắt nạt một quốc gia văn minh, thì người dân nước đó trở nên đoàn kết hơn”.

Chủ tịch Quốc hội Iran đưa ra tuyên bố trên sau khi Washington ngày 1-7 cảnh báo duy trì “sức ép tối đa” đối với Tehran cho tới khi Iran “thay đổi tiến trình hành động”.

Trong diễn biến mới nhất, hãng thông tấn Iran Fars News hôm 1-7 cho biết kho dự trữ uranium tinh luyện của nước này đã vượt 300kg. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chịu trách nhiệm giám sát chương trình hạt nhân Iran cũng xác nhận Tehran “vi phạm giới hạn”. Song, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định họ không vi phạm JCPOA, rằng Tehran chỉ thực thi quyền phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi hiệp ước. Ông Zarif nói rõ Iran sẽ giữ đúng thỏa thuận nhưng không thể tuân thủ các điều khoản vô thời hạn khi mà chế tài của Mỹ tiếp tục tước đi lợi ích kinh tế của Tehran; rằng Iran sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình làm giàu uranium nếu châu Âu không có bất kỳ động thái hỗ trợ nhằm bảo vệ JCPOA.

Tuyên bố trên được Iran đưa ra tại thời điểm các cường quốc phương Tây đang tìm cách cứu vãn văn kiện trên trước chiến dịch “gây áp lực tối đa” của ông Trump nhằm vào Tehran. Nếu thất bại, Iran cảnh báo có thể đẩy nhanh làm giàu uranium tiến gần cấp độ vũ khí từ ngày 7-7. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng Iran biết họ đang làm gì và ông nghĩ Tehran “đùa với lửa”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Iran đình chỉ mọi hoạt động làm giàu nguyên liệu hạt nhân, ngay cả ở mức cho phép.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, các động thái của Iran thực tế chỉ nhằm phản ứng trước sức ép từ Mỹ. Đến nay, Washington vẫn muốn thông qua trừng phạt buộc Tehran trở lại bàn đàm phán. Ngược lại, Iran tuyên bố không đối thoại chừng nào chính quyền Trump còn phủ nhận thỏa thuận đã ký kết. Về phần châu Âu, nữ phát ngôn viên Maja Kocijancic thay mặt Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini kêu gọi Iran đảo ngược quyết định và kiềm chế những động thái làm suy yếu JCPOA. Bà Kocijancic nhấn mạnh các nước phương Tây vẫn duy trì tuân thủ văn kiện này miễn là Iran tiếp tục thực hiện đầy đủ cam kết theo thỏa thuận.

 Trong khi đó, cựu thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc David Albright nói rằng E3 (gồm Anh, Pháp và Đức) mặc dù tức giận trước việc Cộng hòa Hồi giáo phá vỡ giới hạn nhưng vi phạm này không đủ nghiêm trọng để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Tehran. Cựu trưởng đoàn đàm phán Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran, Wendy Sherman nhận định các bước đi của Tehran đều là “phép thử” có tính toán đối với các cơ chế thực thi JCPOA. Dù vậy, diễn biến này cũng khiến nhiều người lo ngại về hậu quả ngoại giao khi châu Âu đang cố kéo Mỹ-Iran khỏi nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết