14/08/2021 - 22:52

Iran trong tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ 

Chỉ trong vòng một tháng, Ngoại trưởng Ấn Ðộ S. Jaishankar đã 2 lần đến thăm Iran, lần lượt là ngày 7-7 để chúc mừng ông Ebrahim Raisi đắc cử tổng thống và ngày 6-8 nhân dịp ông Raisi tuyên thệ nhậm chức. Ðộng thái này của nhà ngoại giao quốc gia Nam Á làm dấy lên câu hỏi vì sao Ấn Ðộ lại trở nên thân thiện với Iran đến như vậy khi mà Tehran vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Mỹ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar (trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: The Quint

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Jaishankar, Tổng thống Raisi nêu rõ: “Kể từ hôm nay, chúng ta nên có những bước đi mới và khác biệt trong việc phát triển mối quan hệ song phương, khu vực và quốc tế với một tầm nhìn mới”. Song, liệu Ấn Ðộ và Iran có thể hợp tác cùng nhau khi Tehran từ lâu mang tiếng hay đổi ý các cam kết hoặc nghĩa vụ song phương?

Sự tương phản lợi ích

Trong khi Ấn Ðộ không ngừng “ve vãn” Iran trong thập niên qua, Iran đã ký hết thỏa thuận này tới thỏa thuận khác với Trung Quốc - đối thủ của Ấn Ðộ. Ðơn cử, Tehran ngày 27-3 năm ngoái đã ký kế hoạch hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm với Bắc Kinh nhằm “tăng cường liên minh kinh tế và chính trị lâu đời” giữa 2 nước. Sau đó, “nối gót” hiệp ước hữu nghị hoành tráng này là thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - Iran trị giá gần 400 tỉ USD.

Ngược lại, vào tháng 7-2020, gần 4 năm sau khi Tehran và New Delhi ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt nối cảng Chabahar trên Vịnh Oman với thành phố Zahedan, dọc biên giới với Afghanistan, Chính phủ Iran đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận và quyết định một mình đảm trách dự án. Khi nói đến hợp tác song phương với Iran, Ấn Ðộ thường đưa ra dự án cảng nước sâu Chabahar. Trong khi đó, năm 2015, thời điểm Iran đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế và bị cô lập về ngoại giao, Ấn Ðộ đồng ý phát triển cảng Chabahar trên Vịnh Oman. Là phần trong thỏa thuận, Thủ tướng Narendra Modi đã thân chinh thăm Iran và ký thỏa thuận trị giá 500 triệu USD phát triển cảng và cơ sở hạ tầng liên quan. Thông qua cảng Chabahar, Ấn Ðộ một mặt muốn kết nối xa hơn với Afghanistan và các nước Trung Á, mặt khác là muốn chống lại quyền bá chủ của Trung Quốc tại khu vực, nhất là cảng Gwadar do Bắc Kinh phát triển ở Pakistan. Tuy nhiên, hồi tháng 4-2021, New Delhi như bị ném quả trứng vào mặt khi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đưa ra tuyên bố chưa từng có rằng cảng Chabahar không phải để chống Trung Quốc hay chống lại cảng Gwadar của Pakistan.

Ngoài ra, Iran cũng tỏ ra thiếu tinh tế khi can dự vào các vấn đề nội bộ của Ấn Ðộ. Sau khi New Delhi bãi bỏ quyền tự trị đặc biệt cho vùng Kashmir và Jammu năm 2019, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng các thủ lĩnh Hồi giáo khác đã lên án động thái của Ấn Ðộ. Giáo chủ Mohammad Ali Movahedi-Kermani thậm chí gọi việc thu hồi quyền tự trị trên là “một hành động xấu xí” và cảnh báo Ấn Ðộ nên phòng ngừa cuộc đối đầu với người Hồi giáo vốn không có lợi cho Ấn Ðộ hoặc khu vực.

Về phần mình, Ấn Ðộ đã ngưng mua dầu của Iran theo các lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên Cộng hòa Hồi giáo này. Ấn Ðộ cũng thống nhất với cuộc điều tra của Mỹ và Israel cáo buộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đứng đằng sau vụ nổ bên ngoài đại sứ quán Israel ở New Delhi cuối tháng 1-2021.

Quả thật, Iran từng là khía cạnh tương phản gai góc nhất trong chính sách đối ngoại của Ấn Ðộ kể từ sau Chiến tranh lạnh. Còn New Delhi thì không thể đồng bộ hóa các lợi ích chồng chéo và xung đột của mình với Tehran.

Tìm bạn bè trong bối cảnh mới

Bị Mỹ “bỏ rơi” ở Afghanistan và bị các quốc gia thù địch hung hăng như Trung Quốc ở phía Bắc và Pakistan ở phía Tây bao vây, Ấn Ðộ đang rất khao khát tìm được bạn bè và giành được ảnh hưởng tại khu vực. Do đó, việc New Delhi theo đuổi chính sách ngoại giao của riêng mình để duy trì quan hệ với Tehran được xem là điều dễ hiểu.

Trước túi tiền sâu rộng và sáng kiến “Vành đai, Con đường” bành trướng của Bắc Kinh, lợi thế chiến lược truyền thống của New Delhi tại Nam Á và Trung Ðông bị tổn hại sâu sắc. Hầu hết các đồng minh truyền thống của Ấn Ðộ trong khu vực đã bị khuất phục trước đòn tiến công “quyến rũ” của Trung Quốc. Do đó, chính sách ngoại giao theo kiểu “marathon” của New Delhi với các đồng minh đáng ngờ trong khu vực như Iran là một minh chứng cho thấy Ấn Ðộ muốn duy trì quan hệ với khu vực, đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc và duy trì chiều sâu chiến lược. Mặt khác, với diễn biến phức tạp tại ở Afghanistan cùng với việc Pakistan từ chối cho phép hàng hóa Ấn Ðộ hóa cảnh, Iran vẫn là cánh cổng để Ấn Ðộ có thể tiếp cận các thị trường và nguồn tài nguyên dồi dào ở Trung Á.

Sau gần 2 thập niên đầu tư hàng tỉ USD vào Afghanistan, Ấn Ðộ giờ đây được cho sẽ bị đẩy ra khỏi quốc gia Tây Nam Á hỗn loạn này. Khi phải ngồi bên lề và nhìn Afghanistan rơi vào quỹ đạo lợi ích của Trung Quốc và Pakistan, Ấn Ðộ phải nỗ lực tìm kiếm bất cứ sự an ủi nào có thể nhận được từ bất cứ ai lắng nghe những thách thức của New Delhi. Vì vậy, khi Tổng thống Raisi phát biểu với Ngoại trưởng Jaishankar rằng: “Iran và Ấn Ðộ có thể đóng vai trò xây dựng và hữu ích trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực, đặc biệt là tại Afghanistan. Iran hoan nghênh vai trò của Ấn Ðộ trong việc đảm bảo an ninh ở Afghanistan”, New Delhi theo bản năng rất hài lòng dù ngôn từ đó vô nghĩa trong bối cảnh hiện tại.

Song, chính sách đối ngoại hiện tại của Ấn Ðộ cũng thật trớ trêu và tương phản với Iran. Trong khi Ngoại trưởng Jaishankar tới Iran để báo trước sự khởi đầu của kỷ nguyên mới trong mối quan hệ 2 nước thì Tư lệnh Không quân Ấn Ðộ Marshal RKS Bhadauria có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Israel, nơi 2 bên nhắc lại tầm nhìn chung về tăng cường các cam kết song phương trong tương lai.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, The Quint)

Chia sẻ bài viết