09/07/2019 - 10:25

Indonesia mất diện tích đất bằng Jakarta do xói mòn 

Trong 15 năm qua, tình trạng xói mòn đã khiến quốc gia Ðông Nam Á mất đến 29.261ha đất duyên hải, tương đương diện tích của thủ đô Jakarta.

Nhiều căn nhà ở tỉnh Trung Java bị thiệt hại do xói mòn. Ảnh: Jakarta Post

Theo quan trắc của giới chức địa phương và người dân trên đảo Flores thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara, sóng biển đang “ngoạm” ngôi làng Aeramo 3-4m/năm. Đây là làng đông dân nhất vùng, với 6.000 người sinh sống. Theo trưởng làng Dominggus Biu Dore, mức độ xói mòn đã nghiêm trọng hơn trong những năm qua do ngày càng nhiều người phá rừng ngập mặn ven biển để đào ao nuôi cá măng.

Không chỉ Aeramo, quốc gia có hơn 13.000 hòn đảo này cũng đang mất đi nhiều diện tích đất duyên hải do mực nước biển dâng và các hoạt động kinh tế thiếu bền vững. Theo nghiên cứu của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, mỗi năm xói mòn “nuốt” khoảng 1.950ha đất ven biển của nước này- bằng diện tích thành phố Padang Panjang ở tỉnh Tây Sumatra. Đổi lại, chỉ có 895ha đất bãi biển mới được hình thành nhờ hiện tượng bồi lấp tự nhiên. Duyên hải phía Bắc đảo Java là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xói mòn. Còn xét về phạm vi tỉnh, Trung Java, Đông Java và Đông Nam Sulawesi là 3 nơi thiệt hại nặng nhất.

Xói lở bờ biển là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở những vùng duyên hải. Sóng biển, dòng nước, thủy triều và gió cùng các yếu tố khác sẽ làm dịch chuyển đất dọc bờ biển. Trong những điều kiện thuận lợi, vùng đất bị mất này sẽ được thay thế bằng lượng trầm tích tương đương có từ những khu vực khác (gọi là hiện tượng bồi tụ ven biển).

Tuy nhiên, sự cân bằng tự nhiên này lại không xảy ra ở đảo Flores cũng như các vùng khác của Indonesia. Theo Abdul Muhari- người đứng đầu cơ quan giảm nhẹ thảm họa vùng duyên hải thuộc Bộ Hàng hải và Nghề cá, số lượng nhỏ bãi biển tại Java bị bào mòn mạnh. Do xói lở ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Sulawesi hơn so với Java, nên Sulawesi cũng mất đất duyên hải nhiều hơn.

Mặc dù mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu là yếu tố gây sạt lở đất, nhưng việc tàn phá môi trường cũng góp phần làm bờ biển càng suy yếu. Các yếu tố ở địa phương có thể đóng vai trò trong việc gây xói mòn lớn hơn các yếu tố toàn cầu. Xói mòn dọc duyên hải phía Tây huyện Demak thuộc Trung Java trong 20 năm qua đã nhấn chìm 3 ngôi làng. Các chuyên gia cho rằng tình trạng xói lở tại Demak là do xây dựng các cảng biển và dự án công nghiệp. Demak là một trong những khu vực thiệt hại nặng nhất Indonesia bởi tình trạng xói mòn. Còn ở Đông Nam Sulawesi, nạn khai thác khoáng sản quá mức, bao gồm cát, là “thủ phạm” tàn phá môi trường trên các đảo ở phía Bắc tỉnh này.

Theo ước tính của Chính phủ Indonesia, xấp xỉ 150 triệu dân (chiếm khoảng 60% dân số quốc gia vạn đảo) đang sống tại các vùng duyên hải. Ngoài ra, có 305.596 người sống trên các đảo nhỏ và xa. Indonesia có nguy cơ chịu tổn thất kinh tế bởi hơn 80% địa điểm công nghiệp tọa lạc tại các vùng duyên hải. Ngành cá cũng bị ảnh hưởng, nhất là nuôi trồng thủy sản- lĩnh vực dự kiến cung cấp 60% sản lượng cá trong nước.

Trong bối cảnh trên, Chính phủ Indonesia đã phải triển khai các biện pháp bảo vệ vùng duyên hải nước này trước tình trạng xói mòn. Ví dụ, Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia đang xây dựng các công trình bê tông, chẳng hạn như đê chắn sóng, trong khi Bộ Hàng hải và Nghề cá cho đặt các công trình xanh tại các bãi biển ở 14 quận huyện kể từ năm 2015 nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi do xói mòn. Các cấu trúc xanh này có chức năng như công trình thay thế rừng ngập mặn, thúc đẩy quá trình lắng đọng trầm tích và hình thành đất mới. Bộ Hàng hải và Nghề cá ước tính đến cuối năm nay sẽ có 1.025ha đất duyên hải được khôi phục bằng phương án này.

THANH BÌNH (Theo Jakarta Post)

Chia sẻ bài viết