NGUYỆT CÁT (Theo DW)
Ðiều kiện kinh tế khó khăn đang khiến ngày càng nhiều phụ nữ ở Tajikistan lựa chọn dấn thân vào những cuộc hôn nhân đa thê. Tuy nhiên, cái giá mà họ phải trả cho cảnh “chung chồng” là chịu đựng sự kỳ thị của xã hội và các quyền lợi cá nhân bị hạn chế.

Nhiều cô dâu ở Tajikistan không phải là người vợ duy nhất của chồng họ.
Tỷ lệ nghèo đói cao và thị trường việc làm cạnh tranh đã góp phần khiến gần 1 triệu công dân Tajikistan phải ra nước ngoài tìm việc làm. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kiều hối là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại Tajikistan và chiếm khoảng 20-30% GDP của đất nước có khoảng 9 triệu dân này.
Kinh tế khó khăn là một lý do khiến nhiều phụ nữ đã ly hôn có vẻ ủng hộ quyền kết hôn nhiều lần của đàn ông. Những cuộc hôn nhân đa thê chủ yếu đến từ mong muốn của những nam giới trung lưu và giàu có, trong khi nhiều phụ nữ coi đây là cách duy nhất để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và con cái của họ. Những người vợ chính thức cũng không muốn chồng lấy vợ lẽ, nhưng buộc phải chấp nhận vì phụ thuộc kinh tế vào chồng.
Được biết, tuy Chính phủ Tajikistan không công nhận hôn nhân đa thê, nhưng luật Sharia cho phép đàn ông Hồi giáo lấy nhiều vợ. Những cuộc hôn nhân đa thê như vậy thường do một giáo sĩ chứng nhận mà không cần đăng ký kết hôn thông qua chính quyền.
Theo bà Firuza Mirzoyeva - nhà hoạt động và nhà tâm lý học từ tổ chức Y tế Công cộng và Nhân quyền Tajikistan, có nhiều lý do khiến chế độ đa thê ngày càng phổ biến ở nước này. Bà Mirzoyeva cho biết tại các vùng Khatlon và Sughd, các bé gái được chuẩn bị cho việc kết hôn ngay từ khi còn nhỏ, trong khi việc học hành được coi là chuyện không cần thiết. “Xã hội có thái độ tiêu cực đối với phụ nữ chưa kết hôn và đã ly hôn, coi họ là “gái già”. Ngay cả với một người phụ nữ thành công và độc lập, xã hội cũng không chấp nhận” - bà Firuza Mirzoyeva nói thêm. Do đó, nhiều phụ nữ sẵn sàng trở thành vợ thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư để cuộc sống riêng của họ được xã hội chấp nhận, hoặc vì lý do vật chất, bởi đối với nhiều phụ nữ nông thôn học vấn thấp, việc trở thành một người vợ là cách duy nhất để tồn tại.
Như trường hợp của Amina, một phụ nữ ở vùng Sughd bị gả theo chồng khi vừa học hết lớp 9. “Cha mẹ chọn chồng cho tôi. Tôi thậm chí còn không biết anh ấy trông ra sao, chỉ biết anh ấy hơn tôi 2 tuổi” - Amina kể. Họ chia tay sau khi chồng của Amina đi Nga làm việc một thời gian và cô phát hiện anh ta đã lập gia đình mới ở đó. Nhà chồng Amina không cho cô nuôi 3 đứa con vì không đủ khả năng tài chính. Do không muốn sống trong cô đơn và nghèo khó, Amina đành đồng ý trở thành vợ thứ ba của một người đàn ông trung niên.
Tương tự, Sitora - một phụ nữ 29 tuổi đến từ vùng Khatlon và hiện làm việc ở thủ đô Dushanbe - cũng đang cân nhắc làm vợ lẽ, một phần vì nghĩ rằng tuổi của mình không còn trẻ. “Cha mẹ tôi không chấp nhận tôi nữa vì họ đã chờ tôi kết hôn quá lâu rồi. Tôi không có nơi nào để đi. Đồng lương ít ỏi không cho phép tôi thuê căn phòng này lâu dài, đặc biệt là khi giá cả đang tăng nhanh mà thu nhập thì eo hẹp. Tôi sẵn sàng trở thành vợ thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư. Nếu điều đó giúp tôi tránh được sự cô đơn và mang lại sự ổn định tài chính cho những đứa con sau này thì tại sao không?” - Sitora bày tỏ.
Mặc dù có nhiều lý do dẫn đến các cuộc hôn nhân đa thê, nhưng việc trở thành vợ thứ hai hoặc thứ ba thường khiến phụ nữ mất nhiều quyền lợi cá nhân và bị xã hội kỳ thị. Nếu không đăng ký kết hôn, những phụ nữ này chắc chắn không được pháp luật bảo vệ hoặc không có quyền sở hữu tài sản. “Những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân như vậy được đăng ký khai sinh theo tên cha, thì chỉ chúng mới có thể nhận được hỗ trợ tài chính hoặc tài sản thừa kế” - bà Mirzoyeva nói thêm.
Không chỉ vậy, hôn nhân đa thê còn mang đến rủi ro lớn cho phụ nữ, đặc biệt nếu lỡ người chồng bỏ đi hoặc qua đời, vì khi đó sẽ không còn ai lo cho họ hoặc con cái họ. Những đứa trẻ này vốn đã chịu nhiều định kiến và sự kỳ thị của xã hội. Trong khi đó, chính quyền Tajikistan cũng ngó lơ các cuộc hôn nhân đa thê, bởi họ sợ các biện pháp cấm đoán có thể đẩy nhiều phụ nữ lâm vào cảnh nghèo đói và bế tắc.