16/05/2018 - 07:29

Hơn 30 hộ dân bức xúc vì “3 không”! 

Tình trạng không có điện, không có nước sinh hoạt và không có đường đi trong nhiều năm qua khiến hơn 30 hộ dân ở ấp Trường Ninh và Trường Ninh A, xã Trường Long, huyện Phong Điền bức xúc. Mặc dù các hộ này đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được quan tâm giải quyết…

Bà Nguyễn Thị Chi lau chùi những chiếc đèn dầu thắp sáng hằng đêm. Ảnh: K.V
Bà Nguyễn Thị Chi lau chùi những chiếc đèn dầu thắp sáng hằng đêm. Ảnh: K.V

Hiện nay, do không có điện lưới quốc gia, nhiều người dân ấp Trường Ninh vẫn phải dùng đèn dầu hay đèn bình để thắp sáng. Bà Nguyễn Thị Chi, ấp Trường Ninh, cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống 30 năm ở tuyến rạch Rau Mui. Là người dân của huyện nông thôn mới, của thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng chưa cơ quan nào giải quyết”.

Cầm chiếc đèn dầu trên tay, bà Chi cho biết do không có điện, người dân không thể sử dụng các thiết bị hiện đại, cũng không thể xem ti vi để nắm bắt thông tin thời sự, tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm làm kinh tế... Ở đây, cũng có một số hộ khá giả đầu tư kéo “điện câu đuôi” về sử dụng. Ông Đặng Văn Bảy, ấp Trường Ninh, nói: “Năm 2017, tôi mua trên 8 triệu đồng tiền dây điện để kéo điện “câu đuôi” từ rạch Trà Ếch về đến rạch Rau Mui để sinh hoạt. Tuy nhiên, do đường tải điện quá xa nên điện năng hao hụt nhiều, vào giờ cao điểm là nguồn điện “chập chờn” làm nhiều thiết bị điện bị hư hỏng”.

Tuyến rạch Rau Mui nối liền 2 ấp Trường Ninh và Trường Ninh A có chiều dài gần 3km, với gần 30 hộ dân sinh sống. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, tuyến rạch này không có đường đi, người dân chỉ đi tạm trên phần đất vườn của các hộ dân. Ông Trung Ký Đạt, ấp Trường Ninh, cho biết: “Năm 1996, gia đình tôi được cha mẹ cho phần đất cất nhà sinh sống. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống như ở cồn hay cù lao, đi lại bằng ghe, xuồng, vì không có đường giao thông”.

Nhu cầu về nước sạch sử dụng cũng là một trong những vấn đề bức xúc mà nhiều người dân nơi đây phản ánh. Do dọc hai bên rạch Rau Mui nông dân làm vườn và ruộng nên lượng phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp xả trực tiếp xuống rạch Rau Mui ngày càng nhiều, khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Chi cho biết: “Do không có tiền khoan cây nước, gia đình tôi canh những khi nước lớn để xách nước từ rạch lên lóng phèn sử dụng, kể cả nấu ăn và uống hằng ngày. Mặc dù biết nguồn nước dưới rạch Rau Mui không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác thay thế”.

Ông Lê Văn Ảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long, cho biết: “Mặc dù xã Trường Long được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều người dân không có điện, nước sinh hoạt và thiếu đường giao thông. Nguyên nhân là do người dân sinh sống ở rạch Rau Mui thưa thớt nên việc đầu tư điện, nước và đường giao thông gặp nhiều khó khăn”. Ông Lê Văn Ảnh đề nghị các sở, ngành thành phố, UBND huyện quan tâm phân bổ nguồn vốn đầu tư điện lưới quốc gia và nước sạch cho các hộ dân ở tuyến rạch Rau Mui. UBND xã sẽ vận động người dân hiến đất, hoa màu và đóng góp tiền đầu tư đường giao thông..

K.V

Chia sẻ bài viết