24/08/2017 - 13:31

Hiện đại hóa công tác quản lý nhân, hộ khẩu 

Công an thành phố triển khai thực hiện Dự án “Hệ thống thông tin quản lý nhân, hộ khẩu”. Đến nay, Dự án này đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều thuận lợi không chỉ cho việc thống kê, tra cứu nhân, hộ khẩu nhanh chóng, kịp thời mà còn tạo điều kiện cho các cấp, ngành thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực liên quan.

Cách làm hay

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Sáng, Trưởng Công an xã Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ)  phấn khởi nói: “Giờ đây, việc quản lý thông tin nhân, hộ khẩu trên địa bàn rất thuận tiện. Khi cần thiết, chúng tôi mở máy tính, thông tin về nhân thân của một người nào đó nhanh chóng hiển thị. Còn trước đây, cán bộ phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, tra cứu tàng thư lưu trữ”.

Nhiều người dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ làm thẻ Căn cước công dân lưu động do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Hiển Dương

Đông Bình là một trong những địa phương được Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ biểu dương vì có cách làm hay, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Dự án. Trước đây, xã Đông Bình gặp nhiều khó khăn: địa bàn rộng, dân cư sống rải rác khắp các tuyến kênh, rạch, điều kiện đi lại khó khăn; nhiều hộ dân đi làm ăn xa... Ông Huỳnh Văn Lợi, ở ấp Đông Phước, xã Đông Bình, kể: “Để có ảnh dán vào “phiếu thu thập thông tin dân cư”, tôi phải đi xe ôm đến xã chụp, tốn hơn 50.000 đồng. Trong hộ tôi có 4 khẩu, thì số tiền lên đến 200.000 đồng. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình tôi rất ngán ngại”.

Những vướng mắc này lần lượt được địa phương tháo gỡ. Bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, cho biết: “Đa phần người dân sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn. Qua đề xuất của Công an xã, chúng tôi thống nhất trang bị máy ảnh kỹ thuật, để lực lượng công an xã đến tận nơi chụp ảnh cho bà con, với mức giá 4.000 đồng/người. Riêng các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách thì hỗ trợ 100%”. Với cách làm trên, người dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, việc triển khai, thực hiện Dự án được thuận lợi hơn. Ông Trần Văn Sáng, Trưởng Công an xã Đông Bình, cho biết: “Đối với trường hợp đi làm ăn xa, chúng tôi vận động người thân liên hệ. Khi họ về địa phương, bất kể giờ giấc, ngày nghỉ, chúng tôi tạo mọi điều kiện để người dân hoàn thành việc kê khai thông tin nhân, hộ khẩu”...

Nhiều tiện ích

Cùng với xu thế phát triển chung, TP Cần Thơ hiện đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Nhiều xí nghiệp, công ty đi vào hoạt động, giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế cho khu vực ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Song song đó, tình hình dân cư có những biến động ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú. Một bộ phận không nhỏ người dân từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống ở TP Cần Thơ; bên cạnh đó cũng không ít người đăng ký hộ khẩu thường trú tại Cần Thơ nhưng lại thường xuyên không sinh sống tại địa phương (đi nơi khác làm ăn, sinh sống, học tập; nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài hoặc các hộ bị giải tỏa, bán nhà đi nơi khác...). Trong khi đó, công tác đăng ký, quản lý cư trú đang được thực hiện bằng hình thức thủ công, quản lý trên sổ sách, giấy tờ là chủ yếu nên hiệu quả công tác này từng lúc, từng nơi chưa cao... Năm 2013, Công an thành phố chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng, triển khai thực hiện Dự án “Hệ thống thông tin quản lý nhân, hộ khẩu”.

Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 11-2013. Đến ngày 15-7-2017, Công an các quận, huyện đã tiến hành thu thập, nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin của Dự án được 974.640 nhân khẩu 14 tuổi trở lên, đạt 100%. Lực lượng thu thập thông tin dân cư chủ yếu là công an các xã, phường, thị trấn; tiến hành bằng phương pháp: phát “phiếu thu thập thông tin dân cư” cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có đăng ký thường trú tại thành phố. Sau đó, thu phiếu về và cập nhật thông tin vào hệ thống dữ liệu Dự án. Ngoài ra, đối với những nhân khẩu 14 tuổi từ ngoài thành phố chuyển đến đăng ký thường trú hoặc công dân lần đầu làm chứng minh nhân dân (thẻ Căn cước công dân) tại TP Cần Thơ thì được thu thập, nhập dữ liệu thông tin tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an quận, huyện hoặc tại Đội cấp, quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ đi lại khác, thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố.

Theo Đại tá Vũ Văn Đông, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ, Dự án này tạo lập nên cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn thành phố, giúp cho việc thống kê, báo cáo, cung cấp các thông tin về dân cư được nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất. Qua đó hỗ trợ cơ quan chức năng tra cứu, điều chỉnh, đính chính thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi, giảm tối đa chi phí cho người dân trong quá trình đi lại, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương. Đồng thời, phục vụ đắc lực cho công tác nắm tình hình biến động về dân cư, quản lý đối tượng, xác minh, truy tìm tội phạm cũng như tìm kiếm lai lịch, địa chỉ của một công dân trên địa bàn thành phố... 

Bài, ảnh: Hiển Dương

Qua thu thập và cập nhật dữ liệu, thành phố đã phát hiện 27.025 trường hợp đăng ký thường trú 2 nơi và 61.089 trường hợp trùng số chứng minh nhân dân. Đến nay, thành phố đã khắc phục 100% trường hợp đăng ký thường trú 2 nơi và 99,95% trường hợp trùng số chứng minh nhân dân (những trường hợp còn lại, các địa phương tiếp tục vận động người dân thực hiện thủ tục cấp đổi). Nguyên nhân là do trước đây công tác này được thực hiện bằng phương pháp thủ công và phần lớn là do người dân khai sai, chữ ghi không rõ, dẫn đến khi nhập thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu đã phát hiện các trường hợp trên.

 

Chia sẻ bài viết