03/07/2018 - 22:17

Hàn Quốc muốn loại bỏ nạn “nghiện làm việc” 

Quy định giảm giờ làm tối đa từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng/tuần ở Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ 1-7, bước đi nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và đời sống của người lao động ở nước này.

Theo đó, người lao động Hàn Quốc sẽ có 40 tiếng làm việc chính thức và 12 tiếng làm thêm. Ban đầu, quy định mới sẽ áp dụng đối với các công ty quy mô có từ 300 nhân viên trở lên, trong khi những doanh nghiệp nhỏ hơn đến năm 2020 và 2021 mới thực thi. Các công ty lớn có 6 tháng để “làm quen” và sau đó, nếu vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền gần 20.000 USD hoặc phải ngồi tù 2 năm. Chỉ có 5 ngành được miễn trừ, bao gồm vận tải và chăm sóc sức khỏe. Chính quyền thành phố Seoul cũng đã bắt đầu cắt điện vào mỗi thứ Sáu để buộc nhân viên phải rời sở làm.

Các nhân viên văn phòng ở Thủ đô Seoul.

Thật ra, nền văn hóa tham công tiếc việc ở Hàn Quốc từng đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng trong nửa thế kỷ qua và từ đất nước ảnh hưởng bởi chiến tranh đã “lột xác” thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Hình ảnh các nhân viên vẫn nán lại với công việc sau giờ làm và văn phòng sáng đèn đã trở thành biểu tượng của văn hóa lao động miệt mài ở xứ kim chi.

Theo cuộc khảo sát đối với 37 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc có số giờ làm việc cao thứ hai, trong đó trung bình một người lao động “cày” khoảng 2.024 tiếng trong năm 2017, xấp xỉ 38,9 tiếng/tuần. Đứng đầu danh sách này là Mexico với thời gian làm việc trung bình 2.257 tiếng (khoảng 43,4 tiếng/tuần). Ở chiều ngược lại, Đức và Đan Mạch có số giờ làm việc ít nhất, trung bình lần lượt là 1.356 và 1.408 tiếng, tức chỉ 26 và 27 tiếng/tuần. Dù thời gian làm việc không giảm, nhưng năng suất mỗi giờ lao động của Hàn Quốc lại rơi xuống gần cuối bảng.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh làm việc quá mức gây ra những tác động xấu cho sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch vành, theo Jeffrey Pfeffer, Giáo sư nghiên cứu về hành vi tổ chức tại Đại học Stanford (Mỹ). Năng suất lao động của công nhân cũng sẽ giảm, tức làm thêm thái quá có thể không phải là ý tưởng hay. Trên thế giới, tỷ lệ tự sát gia tăng và nhiều người trì hoãn lập gia đình, sinh con hoặc sinh con ít hơn, những điều này đang dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội lâu dài.

Trong bối cảnh trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra giải pháp rút ngắn thời làm việc trong tuần và coi đây là “quyền nghỉ ngơi”, trong khi các nhà lập pháp đổ lỗi văn hóa lao động khắc nghiệt là thủ phạm gây ra nhiều vấn đề, từ chuyện tạo công ăn việc làm cho đến tỷ lệ sinh thấp. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy phụ nữ ở Hàn Quốc chỉ có trung bình 1,2 con/người, mức thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, có những phản ứng trái chiều xung quanh quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc. Cuộc khảo sát do hãng tìm kiếm việc làm Job Korea thực hiện hồi tháng 6 cho thấy gần phân nửa số người được hỏi đưa ra quan điểm tích cực đối với biện pháp mới. Trong đó, 55% hy vọng năng suất lao động sẽ được cải thiện, trong khi hơn 70% mong chờ có thêm thời gian rảnh để nghỉ ngơi. Trái lại, nhiều người lo ngại không có được tiền thêm giờ.

Văn phòng Ngân sách Hàn Quốc dự báo cứ 9 người lao động, thì sẽ có 1 trường hợp bị giảm thu nhập. Song Viện Lao động nước này ước tính hơn 130.000 việc làm sẽ được tạo ra để lấp vào những giờ làm bị cắt giảm. Dù vậy, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công ty sản xuất lo sợ chi phí lao động tăng cao do phải thuê thêm nhân công để tuân thủ quy định mới.

THANH BÌNH (Theo CNN, WSJ, UPI)

Chia sẻ bài viết