03/06/2009 - 21:50

Hai người phụ nữ khát khao sự sống

Các chị ở hai nơi khác nhau, có gia đình và từng trải qua những năm tháng hạnh phúc, vui buồn, sướng khổ. Thế nhưng, niềm vui quá ngắn ngủi mà nỗi đau buồn, bất hạnh thì triền miên, day dứt. Các chị đang mắc phải những căn bệnh ngặt nghèo, đe dọa tính mạng, mà hoàn cảnh lại quá khó khăn, chẳng biết dựa vào đâu khi gia đình đã kiệt quệ, nợ nần bủa vây...

1- Giữa cơn nắng nóng kinh người, trong căn chòi trống huơ trống hoác, vắng vẻ, ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy xanh xao, tiều tụy với căn bệnh tim tai ác, nằm thở khó nhọc trên chiếc giường ọp ẹp kê sát góc nhà. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy căn nhà trong tình trạng đang tháo dỡ vì đồ dùng lộn xộn, tứ tung. Một chị hàng xóm cho biết, từ trong quê, chị Thủy dọn về đây ở nhờ hơn mấy tháng nay để tiện việc khám bệnh. Hiện nay, khu đất này đã có người hỏi mua và chuẩn bị dọn để giao nhà. Nghe nói đến đây, chị Thủy sụt sùi: “Nhà tui ở xã Trường Xuân A, đi lại khám bệnh rất khó khăn và tốn kém. Vả lại, cả gia đình tui đã bồng chống ra đây đi kiếm việc làm và chăm sóc tui. Bây giờ, tui không biết phải làm sao?”.

 Chị Lệ Thủy đang đau đớn vì căn bệnh tim hành hạ. 

Giọng yếu ớt, thỉnh thoảng gián đoạn vì những cơn đau thắt ngực khiến chị phải cong người chịu đựng. Chị Thủy cố kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh của mình. Vợ chồng chị lấy nhau, sinh được 3 người con. Chí thú làm ăn, nhẫn nại tạo dựng sự nghiệp, vợ chồng chị sắm được máy cưa, mở tiệm kinh doanh tại nhà. Tuy không khá giả hơn ai, nhưng do chị Thủy khéo sắp xếp chi tiêu nên cuộc sống cũng thoải mái. Sau đó một thời gian, thỉnh thoảng, chị Thủy cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nặng ngực và choáng váng nhưng chỉ là những cơn đau thoáng qua rồi bình thường trở lại. Chính vì vậy, chị Thủy không mấy lo lắng, cứ nghĩ do mình làm việc quá sức, chỉ cần sắp xếp công việc, nghỉ ngơi nhiều hơn là được. Rồi, khi những triệu chứng cứ lặp đi lặp lại thường xuyên và có chiều hướng nặng hơn, chị Thủy mới chịu đi khám bệnh ở trạm y tế xã, rồi Bệnh viện Đa khoa Ô Môn. Bác sĩ siêu âm, chẩn đoán cho uống thuốc theo toa và tái khám, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Đến khi chị chuyển lên Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh tim khá nặng. Gom góp tiền dành dụm, gia đình đưa chị Thủy lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh thực hiện các xét nghiệm, kết quả chị bị suy tim độ III.

Để có tiền cho chị Thủy điều trị bệnh hàng tháng ở TP Hồ Chí Minh, hơn 1 năm nay, của cải trong nhà lần lượt bán hết, kể cả máy móc là phương tiện mưu sinh cũng không còn, trong khi bệnh của chị ngày một trầm trọng hơn và sức khỏe chị yếu dần, không làm được việc nặng. Chồng và các con chị đều đi làm mướn, tiền công nhật trên 75.000 đồng/ngày, chỉ đủ trang trải các chi tiêu trong ngày, trong khi tiền nợ vay đã đến vài chục triệu đồng. Với hơi thở đứt quãng, chị Thủy nghẹn ngào: “Bác sĩ nói nếu tui hổng mổ sớm thì không sống được bao lâu nữa. Thằng út con tui còn nhỏ quá. Tui muốn được sống chờ ngày con trưởng thành...”. Họ hàng ai cũng gặp khó khăn, không giúp đỡ chị được nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng cho mỗi đợt tái khám, so với chi phí hàng triệu đồng thì chẳng thấm vào đâu. Chi phí ca mổ lên đến 50 triệu đồng, với hoàn cảnh hiện nay, gia đình chị Thủy khó có thể thực hiện được.

2 - Lá thư cầu cứu của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, ở khu vực Yên Thạnh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng phần nào giúp chúng tôi hình dung được hoàn cảnh khó khăn cùng nỗi đau bệnh tật mà chị Dung đang gánh chịu. Thế nhưng, khi tìm đến nhà và chứng kiến thực tế còn bi đát hơn nhiều. Chị Dung nằm bẹp trên sàn nhà, cơ thể gầy guộc, hơi thở gấp gáp dường như chẳng còn bao nhiêu hơi sức. Bên cạnh là bà mẹ chồng nhìn con dâu bằng ánh mắt thương cảm và âu lo, đứa con trai 4 tuổi ngây thơ, xúm xít bên chân mẹ. Nhìn chúng tôi bằng ánh mắt đau đớn, tuyệt vọng, có lúc chị Dung nhăn mặt, nhíu mày để cố vượt qua cơn đau.

Chị Ngọc Dung bị viêm khớp giờ thêm bệnh viêm da, lở loét khắp người.

Năm 20 tuổi, chị Dung rời quê Thạnh Xuân, Châu Thành A, Hậu Giang đến phường Lê Bình, quận Cái Răng phụ bán quán cà phê. Trong thời gian này, chị Dung quen và kết hôn với anh Khang, làm nghề giao ga cho một công ty tư nhân ở chợ Lê Bình. Sau đó, chị Dung làm ở quán cà phê và sinh đôi 1 con trai, 1 con gái. Đứa con trai tên Ngọc Anh dễ nuôi, mau lớn, còn đứa con gái tên Vân Anh thì èo uột, gầy gò, lại mắc chứng bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ khuyên nên mổ tim cho bé càng sớm càng tốt, nhưng do gia cảnh khó khăn nên vợ chồng chị cứ lần lựa mãi. Lúc các con vừa giáp thôi nôi, chị Dung bị viêm hai khớp gối, đỏ và sưng tấy, di chuyển khó khăn. Được người quen giới thiệu, gia đình đưa chị Dung đi điều trị thuốc tàu ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi uống thuốc 1 tuần, cơ thể chị Dung ngứa ngáy và nổi lên rất nhiều mụn đỏ, sưng mọng lan nhanh từ chân lên đến mặt, rồi từ từ chuyển sang giai đoạn đau nhức khiến chị Dung không chịu đựng nổi phải rên la. Cả nhà hốt hoảng, không biết nguyên nhân, gom góp tiền đưa chị đi khắp các bệnh viện trong thành phố. Từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, chuyển sang Bệnh viện Da liễu đến Bệnh viện Y học cổ truyền, với các kết quả khám bệnh và chẩn đoán là nhiễm độc thuốc, viêm da... Các mụn ngứa lâu ngày mưng mủ, lở loét khắp người. Mẹ chồng chị Dung cho biết: “Nghe các bác sĩ nói do uống nhầm thuốc “dỏm”, cả nhà mới vỡ lẽ!”.

Gần 1 tháng nay, chị Dung không ăn được nhiều, ngay cả việc uống nước cũng khó khăn, do môi sưng to và lưỡi nổi nhiều đẹn. Cách nay mấy tuần, chị phải nhập viện để súc bao tử, tống chất độc ra ngoài, đến nay vẫn chưa phục hồi sức khỏe, cả ngày chỉ uống nước cháo cầm hơi, vậy mà đôi lúc chị nôn hết ra ngoài. Chị Dung thều thào cho biết: “Thu nhập hàng tháng của ông xã tui chỉ trên 1 triệu đồng. Mỗi lần nhập viện điều trị, chồng tui phải vay tiền, nay số nợ đã trên 10 triệu đồng. Tui lo quá nên quyết định ở nhà “chịu trận”, không đi bệnh viện nữa...”. Mẹ chồng chị Dung chen lời: “Mỗi lần con dâu mệt phải nhập viện để truyền dịch và tiêm thuốc khỏe, cả nhà lại đóng góp tiền mỗi người một ít, nhưng chẳng thấm vào đâu nên phải đi vay tiền, không đành nhìn con chịu đau đớn...”. Suốt thời gian qua, chị Dung gởi các con cho bên nội và ngoại chăm sóc giùm, vì các con chị quá bé bỏng và non nớt để hiểu được bệnh tình của mẹ ngày một thêm trầm trọng. Ước mơ của chị Dung là được mạnh khỏe để có thể cùng chồng chăm sóc, dạy dỗ các con.

Các chị Thủy và Dung đang lâm vào bước đường cùng và tuyệt vọng! Rất mong những tấm lòng hảo tâm khắp nơi chung tay góp sức nhen lại ngọn lửa hy vọng để giúp các chị chống chọi lại bệnh tật, sống lâu bên người thân.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết