05/06/2024 - 20:59

Gập ghềnh đường vào NATO của Ukraine 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ khả năng Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sau lệnh ngừng bắn với Nga, động thái giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của ông Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2-6. Ảnh: Straits Times

“Hòa bình có nghĩa là đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ chiếm đóng Ukraine. Hòa bình là như vậy. Và điều đó không có nghĩa Ukraine phải gia nhập NATO và trở thành một phần của khối quân sự này”, Tổng thống Biden trả lời phỏng vấn với tạp chí TIME mới đây.

Chủ nhân Nhà Trắng cho biết đã chứng kiến ​​“tình trạng tham nhũng đáng kể” ở Ukraine khi ông đến thăm nước này trước đây với tư cách là phó tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ sẽ duy trì mối quan hệ với Ukraine giống những quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nơi Washington cung cấp vũ khí để có thể tự vệ trong tương lai.

Kịch bản Ukraine gia nhập NATO đã trở thành vấn đề hóc búa giữa các thành viên của tổ chức này kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022. Trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva năm ngoái, liên minh nhất trí rằng Ukraine có thể gia nhập NATO khi “các điều kiện được đáp ứng”. Song những điều kiện đó không được nêu rõ ràng, dù các quan chức NATO từng chỉ ra nó gồm cải cách chính trị và pháp quyền, cùng việc chấm dứt xung đột với Nga.

NATO đã cố xoa dịu Ukraine bằng cách bỏ yêu cầu thực hiện Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP), trong đó buộc quốc gia ứng viên phải cải tổ toàn diện về quân sự và nền dân chủ trước khi liên minh xem xét đơn xin gia nhập của họ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khi đó nói từ bỏ MAP sẽ thay đổi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine từ “quá trình hai bước sang một bước”.

Liên minh cũng thành lập Hội đồng Ukraine - NATO để Kiev có thể ngồi vào bàn đàm phán với tất cả thành viên và đối tác của liên minh.

Tuy nhiên, những kết quả này không như mong đợi trước đó của Tổng thống Zelensky là NATO phải nêu rõ lập trường và mốc thời gian kết nạp Kiev vào liên minh, thay vì những lời hứa mơ hồ rằng họ sẽ trở thành thành viên vào “một ngày nào đó”.

Tư cách thành viên NATO sẽ buộc Mỹ và các nước phương Tây phải bảo vệ Ukraine trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga, theo Ðiều 5 của Hiệp ước NATO. Ukraine và những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất ở Ðông Âu coi tư cách thành viên NATO của Kiev và điều khoản phòng thủ chung đi kèm là biện pháp bảo vệ cuối cùng trước Nga. Nhưng với tình hình chiến sự đang diễn ra ác liệt, một động thái liên quan kết nạp vào thời điểm này gần như ngay lập tức sẽ dính dáng tới việc triển khai quân đội NATO đến Ukraine để chống lại lực lượng Nga. Viễn cảnh về một cuộc xung đột thực sự giữa NATO và Nga là mối quan tâm lớn nhất đối với Tổng thống Biden.

Ukraine đưa mục tiêu gia nhập NATO vào Hiến pháp từ năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng liên minh triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được. Cuối tháng 9-2022, Tổng thống Zelensky ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh sớm kết nạp Ukraine.

Bước thụt lùi cho Hội nghị hòa bình

Hồi đầu tuần, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16-6. Thay vào đó, ông sẽ cử Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến dự hội nghị.

Việc ông Biden ưu tiên gây quỹ chính trị ở Hollywood, thay vì dự hội nghị, diễn ra giữa lúc tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức của Kiev mô tả quan hệ Mỹ - Ukraine đang “rơi xuống mức thấp nhất” kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Hội nghị quốc tế do Tổng thống Zelensky đề xuất nhằm mục đích thu hút sự ủng hộ đối với kế hoạch 10 điểm do Ukraine đưa ra nhằm kết thúc xung đột. Mục tiêu thống nhất các ý kiến từ nhiều nước của Kiev gặp trở ngại lớn khi hội nghị vắng mặt cả Tổng thống Biden và Trung Quốc, một trong những quốc gia có tiếng nói và cũng được kỳ vọng là “kênh liên lạc” hữu ích với Nga. Nga không được mời dự sự kiện này.

Ukraine thông báo đã gửi lời mời tới 160 quốc gia và tổ chức quốc tế, nhưng đến nay chỉ 107 nước xác nhận tham gia hội nghị.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết