17/01/2024 - 14:05

Gập ghềnh đường tới châu Âu 

Hajime Moriyasu đã chứng minh mình có thể cạnh tranh với các HLV hàng đầu châu Âu khi dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản thi đấu thành công tại World Cup 2022, nhưng ông lại khó có cơ hội làm việc tại cựu lục địa.

Tuyển Nhật Bản của HLV Moriyasu đang là ứng viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch Asian Cup 2023. Ảnh: Getty Images

HLV Moriyasu từng chèo lái CLB Sanfrecce Hiroshima đến 3 danh hiệu vô địch quốc gia Nhật Bản (J-League) trong 4 mùa kể từ năm 2012. Kể từ năm 2018, ông Moriyasu bắt đầu ngồi “ghế nóng” đội tuyển Nhật Bản và gần đây được vinh danh là HLV xuất sắc nhất năm 2023 của Liên đoàn Bóng đá châu Á.

Tuy nhiên, chiến lược gia người Nhật rất khó đạt được bước chuyển mình trong sự nghiệp giống như nhiều cầu thủ đồng hương. Đến nay vẫn chưa có HLV châu Á nào từng dẫn dắt một đội bóng hàng đầu tại châu Âu mà một trong những nguyên nhân là do châu Âu đánh giá thấp thành tích của các chiến lược gia ở những châu lục khác.

HLV Ange Postecoglou từng đưa tuyển Úc đến danh hiệu vô địch Asian Cup 2015 và sau đó giúp CLB Yokohama F. Marinos lên ngôi J-League năm 2019. Thế nhưng, nhà cầm quân người Úc phải đối mặt với những hoài nghi khi huấn luyện CLB Celtic ở giải Scotland vào hè năm 2021 và cả lúc cập bến Tottenham Hotspur năm ngoái. Thậm chí HLV Arsene Wenger cũng từng phải nhận ánh nhìn thiếu thiện cảm khi đến Arsenal vào những năm 1990. “Wenger không có kinh nghiệm. Ông ta đến từ Nhật Bản”, HLV Alex Ferguson của Manchester United từng nói. Chiến lược gia người Pháp đã giúp đội Nagoya Grampus Eight đoạt Cúp Hoàng đế Nhật Bản hồi năm 1996, 8 tháng trước khi ông gia nhập Arsenal.

Theo giới bình luận, để vượt qua những ngờ vực đó, các HLV cần có cá tính mạnh mẽ và biết cách PR bản thân. Hầu hết các HLV ở châu Âu không chỉ là nhà cầm quân mà còn là “cỗ máy” PR cho chính mình.

“Moriyasu có thể không phải là người có sức lôi cuốn nhất, nhưng cách cư xử và khả năng giao tiếp của ông là một trong những lý do chính tạo nên thành công gần đây của Nhật Bản. Mặt khác, kiểu quản lý này sẽ không hiệu quả ở châu Âu trừ khi ông có thể nói tiếng Anh ở mức khá”, Hideo Tamaru, phóng viên của Hãng tin Kyodo News, nhận định. Theo cây bút Sean Carroll, HLV 55 tuổi này nói được một chút tiếng Anh nhưng chưa đủ để truyền đạt ý tưởng của ông.

Đối với các đội bóng châu Âu, bổ nhiệm một HLV người Nhật là gian nan hơn nhiều so với việc mua cầu thủ nước này. “CLB bổ nhiệm HLV Nhật sẽ phải chịu rất nhiều dò xét. Nếu thi đấu không tốt, cầu thủ có thể bị trả về J-League mà không gây tổn hại cho cả hai bên. Nhưng đối với HLV, đó sẽ là vấn đề rất lớn”, Carroll chia sẻ.

Thay vì “xuất khẩu” HLV sang trời Âu, Nhật Bản lại chứng kiến làn sóng HLV nước ngoài đến dẫn dắt các CLB và cả đội tuyển quốc gia. Khi bóng đá ở xứ sở hoa anh đào tiến lên chuyên nghiệp vào năm 1992, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) cần những ý tưởng và chuyên môn mới từ các HLV châu Âu, mà ông Wenger là một trong những người tiên phong. Ngay cả sau khi J-League phát triển mạnh, JFA vẫn tiếp tục mời những HLV nước ngoài về dẫn dắt “Samurai xanh”, như Paulo Roberto Falcao, Philippe Troussier, Zico, Ivica Osim, Alberto Zaccheroni.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết