15/10/2023 - 20:31

EU trước nỗi lo dân số già 

Báo cáo về sự thay đổi nhân khẩu học do Ủy ban châu Âu (EC) công bố mới đây cảnh báo, dân số già đi nhanh chóng của Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của khối gồm 27 quốc gia thành viên này, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động, tạo gánh nặng cho ngân sách công và làm sâu sắc thêm vấn nạn bất bình đẳng tại khu vực. Báo cáo qua đó vẽ ra bức tranh đáng báo động về sự chuyển đổi kinh tế, xã hội sâu sắc do lực lượng lao động bị thu hẹp gây ra.

Tỷ lệ người cao tuổi của châu Âu đang ở mức cao. Ảnh: AP

Tỷ lệ người cao tuổi của châu Âu đang ở mức cao. Ảnh: AP

Theo báo cáo, dân số EU với hơn 448 triệu người vào đầu năm nay dự kiến sẽ đạt “đỉnh” vào năm 2026 và sau đó giảm dần. Ðến năm 2100, khu vực sẽ “thất thoát” 57 triệu người trong độ tuổi lao động.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong kim tự tháp nhân khẩu học EU sẽ làm đảo lộn thị trường lao động. Trong đó, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ngày càng trầm trọng. Theo Bộ Lao động Pháp, đến năm 2030, trung bình mỗi năm nước này chỉ có 640.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động, trong khi có đến 760.000 vị trí tuyển dụng. Ngân hàng Thế giới dự đoán vào năm 2030, EU sẽ thiếu trên 4 triệu nhân viên y tế.

Tình trạng thiếu lao động có thể sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng, năng suất sản xuất và sự đổi mới, qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh của EU với các nền kinh tế lớn khác. Theo giới phân tích, lực lượng lao động suy giảm chắc chắn khiến cho nhà nước “thất thu”, tạo thêm áp lực lên ngân sách công khi phải chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu, từ đó làm giảm các khoản đầu tư cần thiết vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.

Dubravka Šuica, Phó Chủ tịch EC, lo ngại sự thay đổi nói trên sẽ làm suy giảm sự gắn kết xã hội và cuối cùng là làm mất niềm tin vào các thể chế và quy trình dân chủ ở châu Âu. Theo bà Šuica, một số khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn, đang chứng kiến làm sóng người trẻ di cư mạnh mẽ, từ đó đặt ra thêm nhiều thách thức cho lục địa già. “Mỗi quốc gia thành viên đang đối mặt với những thách thức riêng của họ. Ví dụ, ở Hà Lan, nhà ở và mật độ dân số là thách thức chính, trong khi ở một số vùng của Tây Ban Nha, dân số lại giảm. Tại Ý, thách thức chính là tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi. Trong khi đó, Hy Lạp là thành viên có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất. Còn Croatia đang phải vật lộn với vấn nạn chảy máu chất xám ở những người trẻ tuổi” - bà Šuica cho biết.

Trong bối cảnh trên, EC khuyến nghị các quốc gia thành viên cần đưa ra hành động quyết đoán, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách về lương theo giới, cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm thuế, giảm chi phí chăm sóc trẻ em và giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận các công việc có chất lượng cũng như nhà ở giá phải chăng hơn. Ðặc biệt là cần trao quyền cho người lao động lớn tuổi, giúp họ kéo dài thời gian làm việc thông qua các chương trình nâng cao kỹ năng và giờ làm việc linh hoạt, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp xóa bỏ những định kiến về người cao tuổi. Mặt khác, EC kêu gọi các quốc gia thành viên điều chỉnh các chính sách để có thể kéo dài tuổi thọ trung bình của công dân.

Riêng bà Šuica cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận thị trường lao động bằng cách cung cấp cho họ cơ sở chăm sóc trẻ em tốt hơn. “8 triệu phụ nữ đã bị loại khỏi thị trường lao động. Ðây chính là tiềm năng mà tôi đang nói đến. Nếu chị em phụ nữ không thể làm việc vì phải chăm sóc con cái hoặc cha mẹ thì điều này không thể chấp nhận được” - bà Šuica nhấn mạnh.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết