15/10/2010 - 22:20

Đồng vợ đồng chồng...

Sau nhiều năm lao động vất vả, đến nay cuộc sống của gia đình anh Lê Thiện Hải và chị Huỳnh Thị Bảy (ở khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, dần khấm khá, bắt đầu có của ăn của để. Anh chị được bà con trong xóm quý mến, bởi tính nết hiền lành, có lối sống chan hòa, giản dị và cần cù, siêng năng trong lao động, sản xuất. Không chỉ vậy, con cái của anh chị Bảy cũng được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định...

* Tảo tần sớm hôm!

Gà vừa gáy sáng, anh chị Bảy đã thức giấc, chuẩn bị dọn hàng ra chợ bán. Trên chiếc xe đạp cà tàng, chở đồ đạc lỉnh kỉnh, liên tiếp phát ra âm thanh lọc cọc, mỗi khi bánh xe dịch chuyển. Từ lâu lắm rồi, nhiều hộ tiểu thương ở chợ Thới Long đã trở nên quen thuộc với hình ảnh này. Nhiều năm gắn bó với công việc buôn bán ở chợ, cuộc sống của anh chị nhờ đó cũng dần khấm khá và được bà con lối xóm quý mến, bởi ý chí và nghị lực vượt khó...

Chị Bảy là con thứ trong gia đình gồm 7 anh, chị em. Cũng gống như bao phụ nữ khác, lớn lên, chị kết hôn cùng anh Lê Thiện Hải, một thanh niên cùng xóm vốn hiền lành và siêng năng lao động. Sau 3 năm sống chung với gia đình chồng, vợ chồng anh chị cất căn nhà lá sống tạm trên phần đất cha mẹ cho ra ở riêng. Khi đó, anh chị chỉ có 1 công đất ruộng và một khoản tiền nhỏ, chị làm vốn liếng buôn bán nhỏ ngoài chợ, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tờ mờ sáng, chị Bảy dọn hàng ra chợ bán. Còn anh Bảy thì đi làm thuê làm mướn, từ những công việc như phụ hồ, làm cỏ, cắt lúa... Cuộc mưu sinh tuy vất vả, nhưng anh chị sống rất chan hòa và đầm ấm. Kết quả của những tháng ngày hạnh phúc là sự ra đời của đứa con trai đầu lòng, đó là Lê Quốc Nhật, rồi kế đến là cô gái út Lê Thị Ánh Nguyệt. Công việc mua bán tỏi, ớt, đường, đậu... hàng ngày của chị Bảy khá chậm, nên số tiền lời kiếm được không nhiều. Nhiều ngày đắn đo, suy tính sau cùng chị Bảy quyết định chuyển sang mua bán các loại mắm, thức ăn dân dã, quen thuộc với nhiều gia đình ở vùng quê.

Anh Lê Thiện Hải và chị Huỳnh Thị Bảy. 

Nhớ lại những ngày đầu chập chững làm mắm bán, chị Bảy xúc động: “Lúc đó, vợ chồng tôi nghèo khó lắm! Vốn liếng chẳng có bao nhiêu, chúng tôi phải đi vay mượn bên ngoài, với lãi suất cao để thu mua nguyên liệu như: Cá, dưa gang, dưa leo, đường... Để tăng thêm lợi nhuận, trên 1 công đất ruộng sẵn có, anh Hải trồng dưa leo, dưa gang để lấy sản phẩm làm nguyên liệu làm dưa mắm. Còn vụ lúa đông xuân thì ảnh gieo sạ lúa, lấy lúa xay gạo lo chuyện ăn uống trong nhà”.

Ban đầu, các loại mắm, dưa mắm do chị Bảy làm ra khẩu vị chưa ngon, màu sắc chưa mấy bắt mắt... Sau đó, chị vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm. Đến nay, các loại mắm do chị làm ra đã được nhiều bà nội trợ biết đến và ưa chuộng, bởi mùi vị rất đặc trưng. Hiện nay, chị Bảy sản xuất các loại mắm như: Mắm kho, mắm cá lóc và dưa mắm, trong đó, mắm lóc là mặt hàng chủ lực và đặc trưng của nhà chị. Chị Bảy cho biết: “Để con mắm được ngon, hợp khẩu vị thì khâu tẩm ướp muối rất quan trọng. Nếu ít muối, con cá sẽ bị bủn, có mùi tanh hôi; còn nếu quá nhiều thì con mắm sẽ bị cứng, không tan rã thịt khi đun nấu. Nguyên liệu để làm mắm lóc, tôi chỉ sử dụng loại cá lóc đồng còn tươi sống. So với các loại mắm do một số nơi khác sản xuất, giá bán 1 kg mắm lóc của chị cao hơn khoảng 20.000 đồng, nhưng vẫn được khách hàng chấp nhận”.

Vụ mùa sản xuất mắm trong năm thông thường bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 âm lịch, đây là thời điểm nguồn nguyên liệu cá tự nhiên dồi dào và giá cả cũng tương đối. Sáng sớm, chị Bảy cân mắm giao lại cho một số bạn hàng để đi bán lẻ dọc theo các tuyến kinh hay ở các khu chợ khác; số còn lại, chị bán lẻ cho các bà nội trợ hàng ngày. Trưa dọn dẹp hàng hóa về nhà, lo xong cơm nước, chị quay sang cùng anh Hải lo làm cá, chuẩn bị cho việc tẩm ướp nguyên liệu. Công việc xong cũng là lúc trời xế chiều, chị lại lo chuẩn bị hàng hóa để bán cho ngày hôm sau...

* Cùng nhau xây dựng tổ ấm...

Bây giờ, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh chị Bảy là Quốc Nhật và Ánh Nguyệt đều được học hành đến nơi đến chốn, hiện đã có công ăn việc làm với mức lương ổn định. Dù bận bịu nhiều công việc ở cơ quan, nhưng cứ vào ngày cuối tuần, hai anh em tranh thủ về, cả nhà quây quần bên mâm cơm gia đình, rộn rã tiếng nói cười.

Từ nhỏ, Quốc Nhật và Ánh Nguyệt rất ngoan, sau mỗi giờ tan học, 2 em thường xuyên phụ giúp, đỡ đần tiếp cha mẹ một số công việc vặt trong nhà, cho đến giờ 2 em vẫn giữ được nếp sinh hoạt này. Nhìn 2 con lớn lên, có nhiều tiến bộ trong học tập, anh chị Bảy dường như xua tan đi bao mệt nhọc, lo toan sau một ngày làm lụng vất vả. Chị Bảy kể: “Lúc trước, hoàn cảnh kinh tế của nhà còn eo hẹp lắm. Để có tiền xoay xở lo cho con học hành, sau phiên chợ mỗi ngày, vợ chồng tôi dành dụm một ít tiền, rồi bỏ vào ống heo. Cứ thế, đến khi phải đóng tiền học cho con thì lấy ra. Nhờ vậy, hai con an tâm học tập, chuyện học hành không bị gián đoạn”. Sau khi tốt nghiệp THPT, Quốc Nhật tham gia học trung cấp và đã tốt nghiệp Trường Trung cấp điện lực ở TP Hồ Chí Minh và đang công tác tại Điện lực tỉnh An Giang. Còn Ánh Nguyệt, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành quản lý công nghiệp, xin làm việc tại Ban quản lý Khu chế xuất, công nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho đến nay.

Chắt chiu, dành dụm từng đồng, ban đầu, anh chị canh tác được 1 công đất ruộng. Sau thời gian tích góp, anh chị Bảy đã mua thêm được 1 công, 2 công, rồi 3 công... Cứ thế, đến nay, anh chị đã canh tác được 15 công đất ruộng. Hàng năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, anh chị còn lời khoảng 70 triệu đồng. Riêng số tiền lời từ việc bán mắm, anh chị để dành, tích góp lo cho con cái. Mới đây, anh chị xây mới căn nhà khá khang trang, làm nơi trú ngụ của gia đình sau nhiều năm lao động cật lực. Ông Thái Minh Đàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Long, cho biết: “Vốn khởi nghiệp từ gian khó, đến nay, cơ ngơi của vợ chồng anh Lê Thiện Hải, chị Huỳnh Thị Bảy đã khá vững chắc. Nhờ cần kiệm, chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất và chi tiêu hợp lý, gia đình anh Hải, chị Bảy dần vươn lên thoát nghèo bền vững và là một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương trong nhiều năm liền. Không chỉ vậy, anh chị còn tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Hành trình vượt khó của vợ chồng anh Hải chị Bảy làm chúng tôi nhớ đến câu nói của ông bà ta ngày xưa: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Thật vậy, cuộc sống vợ chồng dẫu có khốn khó, nhưng nếu như họ biết chung sức, chung lòng thì ắt sẽ vượt qua những chông gai, thử thách trong đời, để cùng nhau ra sức xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết