09/10/2015 - 14:18

Đông Bình đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới

Chỉ đạt 5/20 tiêu chí vào đầu năm 2011, nhưng đến nay, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã đạt 20/20 tiêu chí so với Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới (NTM). Hôm nay, ngày 9-10, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Bình nô nức đón chào sự kiện quan trọng: Xã đạt chuẩn Quốc gia về NTM.

*Nỗ lực nâng cao thu nhập cho người dân

Đông Bình là xã vùng ven của huyện Thới Lai, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Vì thế, theo bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, khi bắt tay xây dựng NTM, Đông Bình gặp rất nhiều khó khăn. Bởi kết cấu hạ tầng nông thôn của xã còn nhiều hạn chế; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn nên huy động đóng góp của người dân vào xây dựng NTM còn thấp… Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng nên ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, Ban quản lý xây dựng NTM Đông Bình (BQL) tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.

Xã Đông Bình nô nức đón danh hiệu "Xã đạt chuẩn Quốc gia về NTM".

 

Ông Phạm Trọng Nghĩa, cán bộ Địa chính – Xây dựng – Nông nghiệp và Môi trường, Thường trực BQL, cho biết: "Hằng năm, UBND phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ lúa giống sản xuất… cho nông dân. Cây lúa giữ vai trò chính trong sản xuất nông nghiệp, nên xã tập trung phát triển sản xuất lúa theo cánh đồng lớn gắn với bao tiêu đầu ra. "Có thể khẳng định, đến nay, 100% nông dân trong xã trồng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tất cả các khâu làm đất, thu hoạch đều thực hiện bằng cơ giới 100% diện tích… Từ đó, năng suất và chất lượng hạt lúa ngày một nâng lên, giá thành sản xuất hạ, góp phần tăng thu nhập" - ông Phạm Trọng Nghĩa nói. Về hiệu quả sản xuất lúa, ông Trần Điền Lan ở ấp Đông Giang, cho biết: "Nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn đảm bảo lợi nhuận đạt 30% trở lên. Kết quả này là nhờ nông dân trồng lúa sạ hàng, áp dụng "3 giảm, 3 tăng", bơm nước, xuống giống đồng loạt… nên chi phí sản xuất giảm từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/ha so với trước. Đặc biệt, do có ký kết hợp đồng bao tiêu nên nông dân trong cánh đồng lớn bán lúa tươi giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg. Đầu năm 2015, nhiều con kênh chính, thủy lợi nội đồng bị bồi lắng được chính quyền địa phương nạo vét, vừa giúp việc tiêu, thoát nước trong sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo việc vận chuyển lúa của thương lái, doanh nghiệp… thuận tiện, dễ dàng hơn".

Theo BQL, đến nay, tổng diện tích cánh đồng lớn của xã đạt 1.455ha, chiếm trên 61% diện tích đất sản xuất lúa 2-3 vụ/năm của xã. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngoài việc duy trì, củng cố 17 tổ liên kết sản xuất và 21 tổ hợp tác tương trợ, Đông Bình còn hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: xen canh, luân canh 2 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 cá. Ngoài ra, xã còn vận động người dân phát triển chăn nuôi, tận dụng bờ liếp để trồng màu tăng thu nhập.

* Ý Đảng, lòng dân

Theo BQL, đầu năm 2011, xã Đông Bình tự đánh giá đạt 5/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Gần 4 năm qua, dưới sự tập trung lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND xã, Chương trình xây dựng NTM xã Đông Bình đạt nhiều kết quả tích cực; nhận thức của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn được chuyển biến rõ nét. Ngoài ra, Đông Bình đã triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, cho biết: Xã đã đạt kết quả quan trọng trong việc hướng đến đích đến cuối cùng khi xây dựng NTM. Đó là, thu nhập của người dân không ngừng được gia tăng. Nếu như thu nhập bình quân đầu người của xã cuối năm 2013 đạt 23 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2014 đạt 25 triệu đồng/người/năm. Và con số này vào tháng 4-2015, đạt mức 29 triệu đồng/người/năm. Trước khi triển khai xây dựng NTM, toàn xã có 322 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 15,3% tổng số hộ trên toàn địa bàn xã. Đến ngày 31-12-2014, số hộ nghèo giảm xuống còn lại 118 hộ, chiếm tỷ lệ 5,61% tổng số hộ trong xã. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của xã năm 2014 – 2015 đạt 100%; 80% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học phổ thông, học bổ túc, học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 21%...

Trong không khí tưng bừng của một ngày hội lớn - xã Đông Bình long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn quốc gia về NTM", bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Kết quả này là sự quan tâm, lãnh chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP Cần Thơ và huyện Thới Lai; đặc biệt là nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã. Đó là nhờ Đông Bình nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nghiên cứu, vận dụng linh hoạt phù hợp vào ý chí nguyện vọng của nhân dân và điều kiện cụ thể của địa phương, tạo mối quan hệ hữu cơ gắn bó "ý Đảng, lòng dân" với ý thức trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, xã xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị, công tác trọng tâm thường xuyên, đột xuất để tìm khâu đột phá. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, Đông Bình luôn coi trọng công tác kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng điển hình; tạo sự đoàn kết nhất trí từ trong nội bộ ra đến nhân dân và chăm bồi, phát huy thế mạnh của quần chúng nhân dân đối với mỗi phong trào. "Để Đông Bình và các xã trên địa bàn thành phố vững tin trong công cuộc xây dựng NTM, lãnh đạo TP Cần Thơ, huyện Thới Lai tiếp tục quan tâm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM thông qua các chương trình hợp tác sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Các ngành chức năng sớm ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư và áp dụng công nghệ sau thu hoạch... không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân" – bà Nguyễn Thị E đề nghị.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết