30/03/2013 - 20:21

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu

Nông dân đang tìm hiểu giống lúa chịu mặn, chịu phèn tại  Viện Lúa ĐBSCL.

Là vùng đất thấp, ven biển nên ĐBSCL chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu ( BĐKH) gây ra. Những tháng mùa khô, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL rơi vào cảnh nước biển xâm nhập vào nội đồng, làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt... Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực này đã và đang có những giải pháp để ứng phó và thích nghi với BĐKH.

THIỆT HẠI NẶNG NỀ

ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số hơn 17 triệu người, cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Sự phát triển của vùng trong tương lai sẽ bị đe dọa bởi nguy cơ BĐKH,  đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2012, ĐBSCL có trên 7.600 người do thiên tai và thiệt hại về tài sản lên tới 1,5% GDP quốc gia. Các hiện tượng thiên tai như bão, lũ trong những năm gần đây được ghi nhận ngày càng trở nên trầm trọng về quy mô, tần suất và hậu quả.

Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, từ năm 2000 đến nay, xâm nhập mặn vào nội đồng xảy ra ngày càng nhiều hơn, cứ 2 năm xảy ra một lần, thậm chí là hằng năm. Cụ thể là các năm 2000, 2002, 2004, 2005, 2007, 2009, 2010, độ mặn 4%o đã xuất hiện và vượt qua TP Bến Tre. Các năm 2004, 2005, 2010 độ mặn 4%o đã xuất hiện tại Vàm Mơn, cách cửa sông Hàm Luông khoảng 60 km. Những năm này, độ mặn 1%o hầu như xâm nhập toàn bộ tỉnh Bến Tre. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng BĐKH làm cho dòng chảy kiệt trên sông Tiền, ở mức thấp; thủy triều biển đông lên cao vào những ngày mùa khô… Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng và dự báo sẽ tiếp tục lan rộng. Theo ông Nguyễn Khánh Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre, tính đến đầu tháng 3-2013, tổng diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn là 1.408 ha, tập trung ở huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong đó, trên 50% diện tích bị mất trắng và giảm năng suất đến trên 50%...

Ở Cà Mau, thời tiết thay đổi cũng dẫn đến nắng hạn cục bộ và xâm nhập mặn trong nội đồng diễn ra từ năm 2005 đến nay. Hằng năm, đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng đã lên đến con số khoảng 30.000ha/năm, ước thất thu khoảng 107 tỉ đồng/năm. Ở Sóc Trăng, đất mặn có phạm vi phân bố rộng khắp các huyện: Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách, Mỹ Tú và TP Sóc Trăng. Đây là nhóm đất bị ngập nặng, độ mặn trong đất ngày càng tăng cao do nước biển dâng. Diện tích trồng lúa, hoa màu trong vùng mặn ít và mặn trung bình (vùng Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên) gần đây cũng bị nhiễm mặn nặng. Vùng trồng lúa 2 vụ có năng suất, chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng cũng bị tác động nghiêm trọng do mặn xâm nhập, làm cho hiệu quả sản xuất thấp… dẫn đến thiệt hại hằng năm trên 100 tỉ đồng.

GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

Theo các nhà khoa học, tương lai ĐBSCL sẽ thiệt hại nặng nề hơn nữa do BĐKH. Dự báo đến năm 2030, khoảng 45% đất ĐBSCL sẽ có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Sự nhiễm mặn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và giảm năng suất của lúa. Trung bình, năng suất lúa có thể giảm đến 20 - 25%, thậm chí đến 50%. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng lũ lụt và xâm nhập mặn là 2 tác động chính đến ĐBSCL. Diện tích và sản lượng nông nghiệp suy giảm, đe dọa an ninh lương thực, đói nghèo gia tăng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên suy kiệt. Theo ông Tuấn, để ứng phó với BĐKH, mỗi tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phải lên kế hoạch dài hơi, thực hiện những công trình, dự án thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra.

Ở TP Cần Thơ, những năm gần đây cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, nước biển dâng. Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) là địa phương chịu ảnh hưởng do mặn xâm nhập, thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, thành phố thực hiện nhiều công trình ngăn chặn mặn xâm nhập như nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao, cống... ngăn mặn. Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung thực hiện biện pháp phi công trình như: sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; sản xuất vụ mùa né mặn... Nhờ đó, thiệt hại do nhiễm mặn ngày càng được hạn chế”.

Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học thuộc Khối Thịnh vượng chung (CSIRO - Australia) và Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thách thức và lộ trình cho ứng phó BĐKH tại TP Cần Thơ”. Tại hội thảo, những vấn đề bức xúc mà Cần Thơ phải đối mặt do BĐKH và nước biển dâng gây ra như: sinh kế của người dân, ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp... được đặt ra. Ông Minh Nguyen, đại diện tổ chức CSIRO, đã từng hợp tác với TP Cần Thơ trong các dự án về thích ứng BĐKH, cho biết: “Qua một thời gian thực hiện các dự án về BĐKH, tôi thấy nhận thức của cán bộ thành phố có sự thay đổi đáng kể. Nếu trước đây, mọi người quan tâm nhiều đến cơ sở hạ tầng, thiệt hại tài sản, thì nay những vấn đề dân sinh và con người lại được đặt lên hàng đầu. Đây là một sự chuyển biến tích cực và cần phát huy hơn. CSIRO sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP Cần Thơ khi các dự án ứng phó BĐKH được xây dựng và triển khai thực hiện”.

Ở Bến Tre, những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng mới và nâng cấp nhà máy cấp nước sinh hoạt, phục vụ 2.800 hộ dân; xây dựng 2.383 hồ có thể tích 2m3/hồ cho các hộ nghèo trữ nước ngọt sử dụng; xây dựng 4 công trình đê, cống có quy mô vừa và nhỏ nhằm ngăn mặn trữ ngọt, ứng phó lũ và nước biển dâng, đảm bảo sinh kế cho người dân và bảo vệ gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các công trình trọng điểm ưu tiên ứng phó BĐKH như cấp nước ngọt cho vùng ven biển, hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê ven sông, cống điều tiết nước; bảo vệ rừng và hệ sinh thái ven biển... địa phương đang chờ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện.

BĐKH đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Mong rằng những giải pháp trên được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả để ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia và thế giới.

  Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết