26/01/2018 - 17:03

Định hướng sinh viên sống lành mạnh 

Khi bước vào giảng đường đại học, các bạn sinh viên (SV) luôn được gia đình kỳ vọng sẽ nỗ lực học tập tốt, có việc làm ổn định, tạo tiền đề tương lai vững chắc. Tuy nhiên, một bộ phận SV có tâm lý buông thả, hưởng thụ…, dẫn đến kết quả học tập kém, không xác định được hướng đi đúng...

Thong thả, thảnh thơi

Là SV năm thứ hai nhưng H. (ở tỉnh Tiền Giang) ham chơi hơn... học. Ngoài giờ lên lớp, H. la cà quán cà phê, lướt mạng, chơi Facebook… Thỉnh thoảng, H. bỏ học, cùng bạn bè đi "phượt" các tỉnh. Đó là “chiến tích” H. "khoe" trên mạng xã hội về trải nghiệm bản thân. Nhìn cuộc sống của H., ít ai biết rằng gia cảnh H. khó khăn, cha mẹ làm thuê kiếm sống. H. không ủng hộ bạn cùng phòng trọ đi làm thêm, còn cho rằng “cha mẹ ở quê không muốn tụi mình khổ cực”.

Minh Tiến (bìa trái, hàng đứng) là cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo. Ảnh: CTV

Đối với bạn bè, Long (22 tuổi, SV năm thứ 4) là con nợ khó đòi. Gia đình có vài công ruộng nhưng Long luôn tỏ ra là “thiếu gia” với những màn tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Không đủ tiền tiêu xài, Long mượn của bạn bè rồi không trả. Dù sống cảnh nợ nần nhưng mạng xã hội của Long đầy hình ảnh Long vui chơi thâu đêm ở bar, liên hoan… Tâm, bạn của Long, kể: "Là bạn thân, tôi cho Long mượn số tiền khá lớn. Mỗi lần tôi đòi,  Long than thở gia cảnh khó khăn. Trong khi tôi biết, Long đi chơi, nhậu nhẹt suốt”.

Với tâm thế “không có gì phải vội vàng”, nhiều SV xem việc học ở trường rất dễ dàng với những đề thi “mở”. Từ đó, các bạn bỏ bê việc học, la cà quán cà phê, trà sữa. Đó là trường hợp N. (22 tuổi, quê ở Vĩnh Long) luôn khiến bạn bè cùng phòng mệt mỏi. Suốt ngày, N. chỉ bàn chuyện uống trà sữa ở đâu; quán trà sữa nào mới khai trương… Thời gian N. dành cho việc đi uống trà sữa với bạn bè chung nhóm hơn là đi học. Hằng tháng, cha mẹ gởi cho N. khoảng 4 triệu đồng nhưng N. xài không đủ. Thậm chí, có khi N. xuống căn tin trường mua bọc cơm trắng ăn cho qua ngày còn tiền thì… để dành uống trà sữa.

Khởi đầu không bao giờ là muộn

Thời học trung học phổ thông, Phạm Minh Tiến, SV ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học chương trình chất lượng cao Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) muốn xin học bổng đi du học nhưng chưa tập trung học tiếng Anh. Minh Tiến nghĩ, khi trở thành SV bắt đầu học ngoại ngữ cũng không muộn. Năm học đầu tiên, Tiến chỉ đạt loại khá. Minh Tiến cho biết: “Ngành học sử dụng nhiều tiếng Anh nên lúc đầu tôi muốn hụt hơi với các bạn cùng lớp. Hiện tôi đăng ký học thêm các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tham gia Câu lạc bộ Tiếng Anh ở trường cũng như làm tình nguyện viên hướng dẫn du khách nước ngoài ở Bến Ninh Kiều để nâng cao khả năng ngoại ngữ”. Minh Tiến cho rằng, dù không chủ quan nhưng Tiến có phần lơ là khi mới bước vào đại học. Chuyện của Tiến không hiếm trong SV, khi nhiều bạn tận hưởng cảm giác đậu đại học quá lâu. Hậu quả, các bạn thi rớt môn học hoặc thành tích học tập không cao. Một số bạn không quan tâm hoạt động tập thể lớp, Đoàn- Hội… Minh Tiến chia sẻ: “Tôi nghĩ, ngoài việc cố gắng học tốt, SV cần có thời gian giải trí. Tôi thường dành thời gian rảnh tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường, học đàn piano thay vì tham gia những trò không mang lại lợi ích cho bản thân hay cộng đồng”.

Theo nhiều sinh viên, để có thể cân bằng học và chơi, cần đặt ra mục tiêu mỗi năm học. Khi đó, SV sẽ ý thức rèn luyện, nỗ lực để tiến bộ qua từng năm. Phạm Thị Thùy Linh, SV ngành Kỹ thuật môi trường khóa 41 Trường ĐHCT, kể: “Khi mới vào đại học, tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Tôi luôn đặt mục tiêu để vừa có sức khỏe tốt, vừa đảm bảo việc học và có thể đi làm thêm để giúp đỡ gia đình”. Mấy năm qua, Linh trải qua nhiều công việc để trang trải chi phí học tập, như: bán kẹo kéo, bán hoa hồng, phục vụ quán ăn… Mặc dù vậy, Thùy Linh luôn đạt thành tích sinh viên giỏi, xuất sắc. Linh cũng nhận nhiều học bổng với số tiền trên 80 triệu đồng. Nhờ vậy, Linh có thể tự lo cho bản thân và giúp đỡ cha mẹ.

Thùy Linh nói: “SV luôn đối mặt với những khó khăn, cám dỗ, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng việc học tập. Do đó, mỗi người cần rèn luyện bản lĩnh, tự trang bị những kỹ năng giải quyết vấn đề, vượt qua trở ngại, ổn định việc học tập. Đồng thời phải có cách sắp xếp thời gian hợp lý để học tốt nhưng vẫn xây dựng mối quan hệ gắn kết  bạn bè”.l 

 ĐỖ VĂN 

Chia sẻ bài viết