01/01/2011 - 14:48

Công nghệ thông tin "tiếp sức" nông dân Trung Quốc

Dịch vụ thông tin nông nghiệp Nongxintong của China Mobile đã được tung ra cách đây 4 năm. Công ty hiện đang tập trung vào việc mở rộng vùng phủ sóng ở các khu vực phía Tây và Tây Nam của Trung Quốc.

Gắng sức điều khiển một máy cày chạy inh ỏi và nặng nhọc, Qing Zhongxing đang chuẩn bị đất cho vụ mùa hạt cải dầu mới. Hạ ga tại chỗ rẽ, anh dừng lại để kiểm tra điện thoại: đó là tin mới nhất về giá thịt heo. Tại huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh, người nuôi ong Long Ximing đang bận bịu với các tổ ong, tránh bị chích đến nỗi quên kiểm tra chuông báo trên điện thoại. Tuy nhiên, cũng như Qing Zhongxing và 20 triệu nông dân khác ở nông thôn Trung Quốc, Long Ximing là một người rất ưa thích dịch vụ nông nghiệp di động.

 

Liu Jing, một quản lý địa phương của China Mobile, cho biết xây dựng mạng di động và phủ sóng hầu hết các ngôi làng là chưa đủ, nó giống như có một đường cao tốc mà không có xe hơi. Thực chất, trong khi hầu hết các hộ nông dân ở Trung Quốc hiện có điện thoại di động, rất ít người kết nối Internet. Do đó, nguồn cung cấp thông tin chính của họ là qua TV, nhưng ngặt nỗi họ quá mệt mỏi sau một ngày vất vả ngoài đồng nên không thể xem những chương trình tin tức quá nặng nề. Chính vì thế, China Mobile đã tạo ra Nongxintong để cung cấp thông tin và tin tức trực tiếp cho nông dân qua điện thoại di động.

Đối với những người không mua nổi một chiếc điện thoại cơ bản với giá 30 USD, họ có thể nhận điện thoại miễn phí với điều kiện tổng tiền cước hàng tháng trên 2 USD. Nongxintong chạy trên nền tảng web và di động. Các thuê bao sẽ được nhận tin nhắn bằng chữ hoặc thậm chí là âm thanh, bao gồm lời khuyên, khuyến cáo, cơ hội nghề nghiệp, người mua, người bán, giá cả thị trường – tất cả được điều chỉnh theo nhu cầu của họ. Có cả một đường dây nóng điện thoại di động mọi lúc, chủ yếu nhằm phục vụ những người kinh doanh nông sản. Dịch vụ cơ bản có mức cước phí khoảng 6 USD/năm. Mục tiêu là nhằm thu hẹp khoảng cách thông tin lớn giữa thành thị và nông thôn, một điều kiện tiên quyết để xóa bỏ khoảng cách thu nhập lớn giữa thành phố và nông thôn.

Mạng xã hội

Trong khi đó, ở 2 tỉnh khác của Trung Quốc, trang mạng xã hội Wokai đang kết nối những người cung cấp tiền ở xa tận Luân Đôn (Anh) và California (Mỹ) với các nông dân tìm kiếm những khoản vay nhỏ để phát triển kinh doanh nông thôn nhỏ. Wokai có hồ sơ của người vay từ Tứ Xuyên và Nội Mông, cùng hồ sơ của nhiều người đóng góp tiền từ 47 quốc gia. Những người đóng góp có thể chọn dự án để hỗ trợ trên mạng Internet. Ở nhiều khía cạnh, nó giống như mạng xã hội Facebook cho nông dân.

Trong 2 năm, Wokai đã gây quỹ hơn 370.000 USD và hỗ trợ cho 500 dự án - từ trang trại nuôi heo nhỏ cho đến các sạp bán mì bên lề đường. Những đối tác cho vay nhỏ được đăng ký để quản lý người đi vay ở địa phương, và kiếm chút đỉnh từ tiền lãi. Wokai không lấy bất kỳ một đồng nào, mà thay vì thế dựa vào các khoản biếu và tài trợ để trang trải kinh phí hoạt động.

Kết nối

Để “độc chiến” và tiếp tục phát triển một dịch vụ cho số dân nông thôn khoảng 700 triệu người có thể phải tốn kinh phí rất lớn. Đó là lý do tại sao công nghệ cũng phải cần đến kết nối kiểu cũ. China Mobile là một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng cổ đông chính của nó là nhà nước. Và vì thế, nó có thể nhờ đến mạng lưới lớn các cán bộ nông thôn.

Ở ngôi làng Ci Hong, các quan chức như Chen Ou chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ tại địa phương. Cô thiết kế rõ ràng các tin nhắn dựa trên thông tin đăng tải lên trang web, trong khi cơ sở dữ liệu sẽ cho cô biết điểm nào hấp dẫn từng người thuê bao. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng được sử dụng như một kênh truyền thông cho tin tức chính phủ. Cô Chen cho biết, chính quyền tỉnh gởi cho cô các công bố chính sách và thông báo họp qua Internet, cô sử dụng nền tảng đó, chỉnh sửa lại thông tin và truyền đến nông dân bằng tin nhắn.

Tri thức

China Mobile biết rất ít về nghề nông. Họ lấy lời khuyên từ các sở nông nghiệp chính phủ. Họ cũng hợp tác với những người giỏi nghề nông để cung cấp nội dung và lời khuyên. Đối tượng này bao gồm người trồng cam, nông dân trồng rau và anh Long Ximing, người nuôi ong. Ở huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh, anh Long là người tạo ra lượng mật rất cao, do đó lời khuyên của anh rất có giá trị.

Trước đây, các giao dịch buôn bán chủ yếu được tiến hành mặt đối mặt, và thông tin cập nhật về nhu cầu thị trường rất hiếm. Hiện nay, nhờ hợp tác với Nongxintong, anh hiểu biết nhiều hơn, làm ăn hiệu quả hơn và tiến hành mua bán phần lớn trên mạng Internet và điện thoại di động. Là một thuê bao kinh doanh với cước phí 200 USD/năm, Long Ximing hiện sử dụng Nongxintong để hỗ trợ kinh doanh mật ong và tự cung cấp dịch vụ thông tin đặc biệt tính phí.

LÊ PHI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết