Bình Thủy đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực
Trong 6 tháng đầu năm 2024, quận Bình Thủy đã triển khai thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) năm 2024; truyền thông ứng dụng nền tảng thành phố phát triển và chữ ký số cá nhân công cộng trên địa bàn quận; kiểm tra, đánh giá và duy trì dữ liệu và kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định trong công tác bảo đảm an toàn theo cấp độ năm 2024. Qua đó, quận Bình Thủy đạt nhiều kết quả trong CĐS trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội quận phát triển.
Kết quả tích cực
Để thúc đẩy tiến trình CĐS, quận Bình Thủy đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch truyền thông số 20 hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng thành phố phát triển và đăng ký sử dụng chữ ký số cá nhân từ xa cho hơn 300 cán bộ là hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân và tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu vực, các phường trên địa bàn quận. UBND quận Bình Thủy chỉ đạo các phòng chuyên môn của quận phối hợp đánh giá kết quả CĐS cấp quận năm 2023 và hướng dẫn tập huấn đối với các địa phương trong đánh giá CĐS năm 2023 trên hệ thống DTI (https://dti.cantho.gov.vn/). Theo đó, 8/8 phường đã hoàn thành đánh giá, các phòng ban ngành quận thẩm định trước khi UBND quận thực hiện công bố theo quy định. UBND quận Bình Thủy đã ban hành quy chế quản lý, vận hành trung tâm điều hành thông minh của quận.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, quận Bình Thủy đã triển khai thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính với 9.038 hồ sơ đã được số hóa, ở 31 loại kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thành phố cấu hình trên hệ thống kho dữ liệu số hóa (cấp quận 19 loại kết quả, cấp phường 12 loại kết quả), đạt tỷ lệ 50,33%. Các đơn vị thực hiện trao đổi công việc thông qua hộp thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử cấp quận đạt trên 99,35%, cấp phường 99%. Các đơn vị cấp quận tiếp nhận trên 24.430 văn bản đến, cấp phường 15.112 văn bản. Số lượng văn bản đến được luân chuyển và chuyển đến lãnh đạo phòng ban công chức để xử lý 63.749 lượt, đã thực hiện xử lý 56.604 lượt, tỷ lệ văn bản đến đã được xử lý đạt trên 88,8%.
Tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tính đến ngày 31-5-2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết bằng hình thức trực tuyến thuộc thẩm quyền của UBND quận đạt tỷ lệ 89,99% ở 40 thủ tục, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến các phường đạt từ 57%-98,4% với 18 thủ tục hành chính. Trên địa bàn quận hiện có 32 thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ thanh toán trực tuyến, với 4.421 hồ sơ đã thực hiện thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ đã thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 69,63%.
Về kinh tế số, trên địa bàn quận Bình Thủy có 100% doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với các chợ như An Thới, Bình Thủy, Trà An và Sang Trắng đã triển khai thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và được thanh toán thông qua các phương thức thanh toán điện tử trên các thiết bị di động qua QR code, thanh toán di động (Mobile payment), ví điện tử hoặc đầu tư, lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) và đề nghị những tiểu thương tích cực thanh toán không dùng tiền mặt, dán thông báo “điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt” và “Mã QR” tại nơi giao dịch để người tiêu dùng thực hiện, nhằm đảm bảo tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt bình quân theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ước chỉ đạt 25-30%.
Cuối tháng 3-2024, quận Bình Thủy tổ chức hội nghị tổng kết chương trình truyền thông số 2 và triển khai, tập huấn Kế hoạch truyền thông số 20 năm 2024, nhằm đẩy mạnh CĐS trong dân.
Về xã hội số, hiện trạng hạ tầng Internet băng rộng trên địa bàn quận Bình Thủy cơ bản đảm bảo, hiện có 263 trạm BTS đang hoạt động, đảm bảo phủ sóng liên tục không gián đoạn, với hạ tầng Internet băng rộng được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư rộng khắp và thuận lợi cho người dân tiếp cận các thông tin. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng dịch vụ Internet trên địa bàn quận chiếm trên 93% (38.442 thuê bao); tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt trên 97,42%.
Với sự hướng dẫn chuyên môn từ Sở Y tế TP Cần Thơ, quận Bình Thủy đã xây dựng và ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý khám chữa bệnh đáp ứng CĐS hướng tới y tế thông minh; trên địa bàn quận đã triển khai đến 8/8 trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý với đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm Y tế quận Bình Thủy đang triển khai xây dựng hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện đã xong giai đoạn thử nghiệm, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và triển khai khám chữa bệnh trên cơ sở tích hợp của căn cước công dân gắn chip theo Đề án 06 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám chữa bệnh.
Đẩy mạnh các giải pháp CĐS
Thời gian tới, quận Bình Thủy đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong CĐS, đó là tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết hành chính còn hiệu lực để góp phần thực hiện đầy đủ việc chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09-4-2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Tăng cường việc hướng dẫn, tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm duy trì tỷ lệ đã đạt được và đạt chỉ tiêu được giao. Tiếp tục triển khai thực hiện và chỉ đạo các ngành, địa phương trong thực hiện các công trình, phần việc trong CĐS, lựa chọn phương án triển khai chính thức đối với Trung tâm điều hành thông minh của quận và hoàn thiện hồ sơ đầu tư, trang bị hệ thống truyền thanh thông minh. Triển khai áp dụng giải pháp biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí khi giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, góp phần tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bà Hồ Thị Thẩm Thúy Hằng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: Từ nay đến cuối năm 2024, Phòng tiếp tục tham mưu UBND quận chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan, các phường kết hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông, Hội LHPN quận, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh và Hội Nông dân quận tổ chức truyền thông sâu rộng trong nhân dân các ứng dụng nền tảng mà thành phố phát triển như Can Tho Smart và chữ ký số cá nhân công cộng cho người dân, góp phần đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Phát huy có hiệu quả công tác truyền thông địa phương sẵn có như hệ thống thông tin cơ sở, cổng thông tin điện tử của quận, hệ thống bản điện tử tuyên truyền trực quan, nhất là các nhóm Zalo cấp 5 để đẩy mạnh CĐS.
Theo bà Thúy Hằng, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy cũng sẽ tham mưu UBND quận tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là an toàn thông tin cho người dùng cuối. Tham mưu triển khai đánh giá an toàn thông tin và hướng dẫn 8 phường hoàn thiện hồ sơ xây dựng hệ thống thông tin an toàn cấp độ 1 theo quy định. Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp các phòng, ban tham mưu UBND quận thực hiện kế hoạch kiểm tra về dữ liệu lồng ghép với kế hoạch cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính đã triển khai, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn đối với các phòng chuyên môn, các phường trong việc số hóa dữ liệu đến cuối năm 2024 đạt từ 90% trở lên.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Chia sẻ bài viết |
- Cần Thơ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024
- TP Cần Thơ đồng hành cùng người có công với cách mạng trong chuyển đổi số
- Số hóa dữ liệu, nâng cao hiệu quả đăng ký và quản lý hộ tịch
- Hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số
- Bồi dưỡng, tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng ở Cần Thơ
- Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Hơn 45.600 lượt người dân và thiếu nhi được hỗ trợ nâng cao năng lực số