Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công một thiết bị cấy ghép chứa đèn LED (ảnh) có thể điều khiển qua mạng không dây để điều trị các bệnh ung thư sâu bên trong, khó tiếp cận.
Trong y học, khi các dạng ánh sáng cụ thể được sử dụng kết hợp với loại thuốc kích hoạt bằng ánh sáng thì sự kết hợp này có thể là phương pháp điều trị hiệu quả và không xâm lấn đối với các dạng ung thư nằm bên trên hoặc gần da. Tuy nhiên, phương pháp này khó có thể tiếp cận các dạng ung thư nằm sâu bên trong cơ thể, do sự cản trở từ các mô, máu và xương.
Ðể giải quyết vấn đề nói trên, các chuyên gia tại Ðại học Notre Dame đã phát minh một thiết bị chứa đèn LED có thể dùng cấy vào cơ thể bệnh nhân. Một khi thiết bị được dùng kết hợp với thuốc nhuộm nhạy sáng, nó không chỉ giúp tiêu diệt tế bào ung thư mà còn huy động phản ứng nhắm mục tiêu ung thư của hệ miễn dịch.
Ðầu tiên, một loại thuốc nhuộm có phân tử hấp thụ ánh sáng được đưa vào tế bào trước. Nhờ đó, khi thiết bị được “bật lên”, thuốc nhuộm chuyển đổi ánh sáng phát ra thành năng lượng và năng lượng đó làm cho ôxy của tế bào ung thư trở nên độc hại - tác động khiến các tế bào ung thư chống lại chính chúng.
Chuyên gia Thomas O’Sullivan, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thiết bị có kích thước bằng hạt gạo này có thể được tiêm trực tiếp vào khối u ung thư và được kích hoạt từ xa bằng ăng-ten bên ngoài. Mục tiêu sử dụng thiết bị không chỉ để điều trị mà còn theo dõi phản ứng của khối u, điều chỉnh cường độ tín hiệu và thời gian khi cần thiết.
Trong tương lai, thiết bị sẽ được sử dụng trên chuột để xem liệu phản ứng tiêu diệt ung thư bắt đầu ở một khối u này có thúc đẩy hệ miễn dịch tự xác định và tấn công một khối u khác hay không.
HUY MINH (Theo SciTechDaily)