15/09/2010 - 21:10

Giá phân bón lại tăng

Có nên thu mua dự trữ?

Nhu cầu phân bón tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang giảm mạnh so với trước do lúa vụ thu đông đã bước vào thu hoạch và nước lũ đang về. Tuy nhiên, giá nhiều loại phân bón vẫn đang trong xu hướng tăng. Sự biến động tăng giá này đã làm nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông dân không khỏi lo ngại về giá của các loại phân bón trong vụ sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 tới đây...

GIÁ NHIỀU LOẠI PHÂN BÓN ĐANG NHÍCH LÊN

Mua, bán phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Danh ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. 

Hiện giá bán lẻ nhiều loại phân bón Urê, DAP, NPK, Kali... đã tăng 5.000- 50.000 đồng/bao/50kg so với thời điểm tháng 8-2010. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá phân Urê (Indonesia, Trung Quốc, Phú Mỹ) từ ở mức 305.000-310.000 đồng/bao (trả tiền liền) tăng lên 350.000-360.00 đồng/bao; Urê Đầu Trâu 350.000-358.000 đồng/bao tăng lên 362.000-365.000 đồng/bao. Phân DAP Trung Quốc (loại hạt xanh, hạt đen và vàng sọc xanh) giá tăng từ 485.000-497.000 đồng/bao lên 550.000 -560.000 đồng/bao, Kali (Canada) từ 455.000 đồng/bao tăng lên 460.000 đồng/bao; Lân (Long Thành) 118.000 đồng/bao... Giá phân NPK 16-16-8 Việt Nhật đang ở mức 390.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Philippines 435.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu loại thường 530.000 đồng/bao, loại cao cấp 560.000 đồng/bao... Cùng với giá phân bón, hiện giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 5-9% so với tháng trước...

Gần đây, giá nhiều loại phân bón trong nước tăng do ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD/VND tăng và giá phân bón thế giới có xu hướng tăng trong một vài tháng trở lại đây. Hiện giá nhiều loại phân bón trên thế giới như Urê, DAP... đã tăng khoảng 20-30 USD/tấn so với cách nay hơn 1 tháng. Giá phân Urê tại nhiều nước trên thế giới đã ở mức 300-310 USD/tấn Fob, còn DAP có giá 500-520 USD/tấn Fob. Song, do sức tiêu thụ nhiều loại phân bón trong nước đang yếu và nguồn cung các loại phân bón trên thị trường đang khá dồi dào nên giá phân bón trong nước có tăng nhưng chưa tăng mạnh theo giá thế giới.

CẦN TÍNH TOÁN KỸ TRONG THU MUA DỰ TRỮ

Hiện nay, nhu cầu phân bón TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang giảm mạnh so với trước do lúa vụ thu đông đã bước vào vụ thu hoạch và nước lũ đang về. Hằng năm, sau khi thu hoạch lúa thu đông, nông dân tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL thường bỏ ruộng trống một thời gian, chờ thời tiết thuận lợi mới xuống giống lúa đông xuân. Dự kiến vào khoảng tháng 10 âm lịch (còn khoảng 2 tháng nữa) nông dân ĐBSCL mới bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2010-2011, khi ấy sức tiêu thụ các loại phân bón mới tăng mạnh. Do vậy, dù giá phân bón còn thấp nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón cũng tỏ ra khá thận trọng khi mua hàng vào dự trữ vào thời điểm này, nhất là khi phải vay vốn. Ông Trần Tuấn, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Nếu mua phân bón vào dự trữ trong thời điểm bước vào mùa lũ như hiện nay, các cửa hàng kinh doanh phân bón phải tốn nhiều chi phí cho việc bảo quản hàng. Đặc biệt, hiện lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, vay tiền mua phân bón mà không bán liền được phải dự trữ trong vài tháng, khi đó phần giá tăng khó đủ bù vào phần lãi suất tiền vay”.

Nhưng với nhận định giá phân bón có xu hướng tăng hoặc bình ổn ở mức cao khi bước vào vụ sản xuất đông xuân 2010-2011, hiện không ít cửa hàng kinh doanh phân bón tại TP Cần Thơ đã tranh thủ chuẩn bị hàng lúc giá rẻ. Ông Phạm Văn Tần, chủ một cửa hàng kinh doanh phân bón ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Khoảng tháng 10 và tháng 11 âm lịch, sức mua các loại phân bón mới tăng mạnh. Sợ vào thời điểm đó giá sẽ tăng cao nên tôi đã tranh thủ chuẩn bị trước nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2010-2011. Nhưng vì không có sẵn nguồn vốn, trong khi lãi suất tiền vay ngân hàng còn ở mức cao nên tôi chỉ mua dự trữ vừa sức với mình và hạn chế tối đa việc vay vốn”.

Theo giới kinh doanh vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, giá nhiều loại phân bón gần đây có xu hướng nhích dần lên và có nhiều khả năng sẽ còn tăng hoặc đứng giá ở mức cao trong vụ đông xuân 2010-2011 khi nhu cầu tiêu thụ tăng. Do vậy, những cửa hàng vật tư nông nghiệp và nông dân có sẵn nguồn vốn nên tranh thủ mua hàng vào lúc này sẽ có nhiều thuận lợi về giá hơn là chờ đến thời điểm gần kề vụ sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 mới chuẩn bị hàng vào.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết