|
Thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận chung với binh sĩ Hàn Quốc ngày 9-3. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9-3 cho biết Bộ chỉ huy tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu, ngay trước thời điểm bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn Quốc mang tên “Đại bàng non” mà Bình Nhưỡng xem như “màn dạo đầu” dẫn tới chiến tranh. KPA khẳng định đây là một biện pháp tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền và tự tôn dân tộc, đồng thời tuyên bố cắt đứt các cuộc đối thoại quân sự với Seoul trong thời gian diễn ra cuộc tập trận chung với quy mô “chưa từng có cả về quân số tham gia và thời gian thực hiện”. KPA dọa sẽ đáp trả quân đội Mỹ và Hàn Quốc nếu họ xâm phạm lãnh thổ Triều Tiên trong thời gian diễn tập, và rằng “sẽ không có giới hạn về các biện pháp trả đũa”. Có thể nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang cực kỳ căng thẳng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada mới đây tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng bắn hạ các vật thể đe dọa đến an ninh quốc gia như tên lửa, thậm chí đó là một vệ tinh. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại đảo Hawaii, Đô đốc Timothy Keating, thì khẳng định họ đã hoàn tất việc chuẩn bị triệt hạ các mục tiêu trên không vào bất kỳ lúc nào theo mệnh lệnh trực tiếp từ Tổng thống Barack Obama, “nhằm đảm bảo sự tin cậy và cam kết của Washington đối với các đồng minh trong khu vực”. Trong khi đó, Giám đốc phụ trách về thử nghiệm và đánh giá tác chiến của Lầu Năm Góc Charles McQueary cho biết Mỹ có 3 kịch bản đối phó với kế hoạch “phóng vệ tinh” sắp tới của Triều Tiên và tất cả đều là hủy diệt mục tiêu. Những tuyên bố trên xuất phát từ nhận định của các chuyên gia Nhật và Mỹ rằng Bình Nhưỡng sẽ phóng thử tên lửa Taepodong-2 dưới vỏ bọc vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 (Bình Nhưỡng từng tuyên bố tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn tới 6.700 km, có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ). Hàn Quốc cũng nói rằng cho dù Triều Tiên chỉ phóng vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo thì vẫn bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng.
Đáp lại, Bình Nhưỡng hôm 9-3 tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào đánh chặn vệ tinh vì mục đích hòa bình của nước mình. Tuyên bố của quân đội Triều Tiên nêu rõ họ sẽ kiên quyết chống lại không chỉ đối với các phương tiện hủy diệt vệ tinh mà còn cả những lãnh thổ chủ mưu thực hiện động thái đó như Mỹ, Nhật, Hàn.
Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mong muốn của cộng đồng quốc tế, nhưng xem ra bầu không khí bất ổn, thậm chí là chiến tranh, lại đang xuất hiện. Nếu Bình Nhưỡng vẫn thực hiện kế hoạch “phóng vệ tinh” của mình thì người ta chưa biết đó là chiến thuật để giành ưu thế trên bàn thương lượng hay là mở đầu của một cuộc đối đầu quân sự mà tất cả các bên đều không mong đợi?
KIẾN HÒA
(Tổng hợp từ AFP, AP, Xinhua, Itar-Tass)
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kéo dài từ ngày 9 tới 20-3 với sự tham gia của 26.000 binh sĩ Mỹ, hơn 30.000 binh sĩ Hàn Quốc (có tin nói là 50.000) cùng tàu sân bay USS John C.Stennis và 7 tàu khu trục Aegis. Washington và Seoul cho biết mục đích của cuộc tập trận có thời gian dài gấp đôi và quy mô lớn hơn nhiều so với những lần trước là nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của quân đội hai nước, góp phần củng cố các lực lượng tiền tiêu trong trường hợp Hàn Quốc bị kẻ địch tấn công. (TTXVN) |