12/06/2008 - 03:30

Chung quanh sự kiện Ireland trưng cầu dân ý về Hiệp ước Lisbon

Áp phích cổ vũ cử tri Ireland đi bỏ phiếu. Ảnh: Ireland Times.

Hôm nay (12-6), cử tri Ireland đi bỏ phiếu bày tỏ chính kiến của mình về dự thảo Hiệp ước Lisbon, hay còn gọi là Hiệp ước “đơn giản”, thay thế dự thảo Hiến pháp châu Âu bị “chết yểu” cách đây 3 năm. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9-6, tân Thủ tướng Ireland Brian Cowen cho biết ông tin vào thắng lợi của cuộc trưng cầu dân ý lần này vì ngày càng có nhiều người Ireland nhận thấy rõ các lợi ích của đất nước khi phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Trong khi đó, Ngoại trưởng Bernard Kouchner của Pháp, nước sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên EU vào đầu tháng 7 tới, cảnh báo nếu Ireland bác bỏ dự thảo hiệp ước thì coi như họ “tự trừng phạt mình”, bởi điều đó cản trở tiến trình phát triển của 27 quốc gia thành viên EU.

Cả hai lời trấn an và đe dọa trên được đưa ra sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người Ireland ủng hộ và phản đối dự thảo Hiệp ước Lisbon là gần như ngang bằng nhau. Kết quả cuộc thăm dò ngày 6-6 cho thấy phe nói “không” chiếm 35%, phái ủng hộ 30%. Một cuộc thăm dò khác tiến hành ngày 8-6 cho kết quả ngược lại, với 42% ủng hộ và 39% phản đối.

Người ta hẳn còn nhớ Ireland cũng là quốc gia đầu tiên bác bỏ dự thảo Hiệp ước Nice năm 2001 (cho phép mở rộng số thành viên EU) vì lo ngại hiệp ước sẽ khiến nước này không còn giữ được tính trung lập. Chỉ khi các nhà lãnh đạo EU tuyên bố đảm bảo sự trung lập của Ireland thì họ mới ủng hộ hiệp ước trong cuộc trưng cầu dân ý lần hai năm 2002. Lần này, theo tờ Le Figaro, nhiều cử tri Ireland chẳng quan tâm nội dung của dự thảo Hiệp ước Lisbon ra sao, nhưng muốn bỏ phiếu chống để bày tỏ sự không hài lòng của họ đối với chính phủ. Một số người khác thì quan ngại Hiệp ước Lisbon có điều khoản áp đặt chính sách thuế hài hòa cho tất cả các nước thành viên EU, trong khi sự linh hoạt trong chính sách thuế là một trong những bí quyết giúp Ireland thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, Hiệp ước Lisbon được quốc hội 15 nước thành viên EU thông qua mà không cần trưng cầu dân ý. Đây là cách lựa chọn an toàn nhất nhằm ngăn ngừa “sự cố” như vụ cử tri Pháp và Hà Lan bác bỏ dự thảo Hiến pháp chung năm 2005, đưa EU vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nửa thế kỷ tồn tại và phát triển của khối này. Ireland là quốc gia duy nhất trong EU tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo Hiệp ước Lisbon. Theo nguyên tắc hoạt động của EU, bất kỳ một hiệp ước nào chỉ có hiệu lực khi được tất cả các nước thành viên phê chuẩn. Vì thế, một nhà ngoại giao Phần Lan cảnh báo rằng nếu 3 triệu cử tri Ireland nói “không” sẽ là một “thảm họa” và điều này sẽ tác động dây chuyền đến những nước chưa phê chuẩn Hiệp ước Lisbon.

 

PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ AFP, Le Monde, Le Figaro, Reuters)

    Hiệp ước Lisbon được các nước thành viên EU ký kết ngày 13-12-2007. Trọng tâm của hiệp ước này là cải cách hệ thống bỏ phiếu của Hội đồng châu Âu; tăng quyền cho Nghị viện châu Âu; đặt ra hai chức danh mới là Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Đại diện cao cấp của châu Âu về đối ngoại. Nếu được phê chuẩn, hiệp ước sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.

Chia sẻ bài viết