09/08/2009 - 09:31

Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ động đối phó mưa lũ và sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Vụ lúa hè thu 2009 ở ĐBSCL đang bước vào kỳ thu hoạch, nhưng những ngày đầu tháng 8, do mưa kéo dài với cường suất cao đã gây thiệt hại không nhỏ cho diện tích lúa và vụ nuôi thủy sản ở các địa phương. Thêm vào đó, tình trạng sạt lở cũng đe dọa nhiều hộ dân sinh sống khu vực ven sông Tiền, sông Hậu. Diễn biến thời tiết năm nay được dự báo phức tạp, hiện các địa phương trong vùng đang tích cực thực hiện công tác phòng chống lụt bão, sạt lở…

Nỗi lo thiên tai bất ngờ...

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm 2009, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố là 849 triệu đồng. Trong đó, làm sập hoàn toàn 36 căn nhà, sập tốc mái, siêu vẹo 96 căn, 9 trụ điện bị ngã đổ; đồng thời gây sạt lở 2 điểm (phường Tân Phú, quận Cái Răng với chiều dài 50 m, lở sâu vào đất liền 4 m; khu vực 5 phường Trà An, quận Bình Thủy 30 m, sâu vào đất liền 60m làm 2 nhà dân bị lún, nứt)... Không riêng gì TP Cần Thơ mà nhiều địa phương trong vùng đang bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở đất như: Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng...

Tại tỉnh Đồng Tháp, tình trạng sạt lở ven sông Tiền ở 4 xã cù lao (Thường Phước 1, Long Khánh A, Long Thuận và Long Khánh B) thuộc huyện Hồng Ngự, làm hàng ngàn hộ dân sống ven sông luôn nơm nớp lo sợ nhà cửa bị nước cuốn trôi. Đơn cử như xã Thường Phước 1, vừa xảy ra vụ sạt lở với tổng chiều dài 4.000m, ăn sâu vào đất liền 2-3m; xã Long Khánh A, trong 2 ngày 18 và 19-7-2009 trên địa bàn ấp Long Phước liên tiếp xảy ra sạt lở, cuốn trôi 150m đường đất và lấn sâu vào đất liền 10m, làm 14 nhà dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp. Anh Giáp Minh Trang, ngụ xã Long Thuận (Hồng Ngự), cho biết: “Gia đình tôi đã 3 lần di dời nhà do sạt lở, hiện tại sạt lở đã ăn sâu đến nơi ở nhưng không thể di dời vì không có đất”. Anh Trang và hàng trăm hộ dân ngụ tại xã Long Thuận đang mong sớm được vào ở trên cụm, tuyến dân cư để an tâm lo cuộc sống gia đình.

Sạt lở bờ sông Tiền thuộc địa bàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: DŨNG CHINH  

Ông Cao Quý Bình, Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Toàn xã hiện có 769 hộ dân sống trong vành đai sạt lở. Trong số này lo ngại nhất là 482 hộ đang ở trong khu vực nguy cơ rất cao, nhưng có tới 278 hộ không còn đất để di dời. Trước mắt, đối với những hộ dân này, UBND xã đứng ra vận động người dân lân cận cho mượn đất ở tạm và cam kết khi cụm tuyến dân cư hoàn thành sẽ đưa các hộ này vào định cư”. Theo ông Bình, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, đầu năm 2008 huyện Hồng Ngự chỉ định thầu xây dựng tuyến dân cư Long Thuận có khả năng bố trí khoảng 900 hộ dân vào sống ổn định, nhưng tiến độ vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh Long An, diện tích hoa màu, lúa, tràm và nhà cửa bị thiệt hại do thiên tai ước gần 27,5 tỉ đồng. Năm 2009, tổng diện tích lúa vùng Đồng Tháp Mười của Long An khoảng 152.200 ha (trong đó có 50% diện tích nằm trong đê bao). Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Đầu tháng 8 này, trên 5.500 ha lúa hè thu của tỉnh đang trong giai đoạn trổ chín bị lũ huy hiếp. Chưa thể thống kê hết thiệt hại, nhưng chỉ tính riêng công cắt và gom giá cũng tăng gần gấp 3 lần. Lúa bị ngã giá khoảng hơn 3 triệu đồng/ha, nếu không ngã chỉ 1,2 triệu đồng/ha. Chỉ cần vài cơn mưa nữa là có thể bị ngập sâu gây thiệt hại rất nặng nề cho người dân”.

Chú trọng phương án phòng chống tại chỗ

Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy PCLB Trung ương đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường biện pháp phòng chống và hỗ trợ người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ và sạt lở gây ra. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể trên từng địa phương còn nhiều trở ngại, do đặc thù của từng vùng, nguồn kinh phí hạn chế, nên các công trình phục vụ khắc phục thiên tai tiến độ triển khai khá chậm, nhất là các công trình cụm, tuyến dân cư (C-TDC) vượt lũ. Tỉnh Long An hiện có 165 C-TDC vượt lũ với tổng số hộ được bố trí theo qui hoạch là 32.786 hộ. Tuy nhiên tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật C-TDC và bố trí hộ dân vào ở còn rất chậm. Hiện tổng số hộ nhận nền ở C-TDC vượt lũ của tỉnh khoảng 20.795 hộ (đạt 63,4% so với kế hoạch) và số hộ dân vào ở 11.616 hộ, mới đạt 35,4% kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh là thiếu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng nhu cầu trên 200 tỉ đồng...

Do những khó khăn trên, hiện một số địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và xem trọng khâu phòng, chuẩn bị đối phó trước thiên tai là đặc biệt quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh đã cử cán bộ trực 24/24 giờ ở các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười, vận động nhân dân củng cố bờ bao, bơm nước ra cứu lúa hoặc tranh thủ thu hoạch sớm. Tỉnh đang chuẩn bị phương án kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho nông dân khi bị thiệt hại. Đến nay, có 9 sở, ngành và 10/14 huyện đã xây dựng xong kế hoạch PCLB- TKCN năm 2009”. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh Long An cũng tăng cường công tác tuần tra bảo hộ đê và quản lý chặt chẽ việc vận hành đóng mở các cống đập quan trọng; vận hành thử các máy bơm điện tiêu úng khu vực thị trấn thuộc huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa... Còn theo ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 42, xã phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố có bờ sông bị sạt lở, tổng chiều dài hơn 74km, với trên 6.000 hộ nằm trong vành đai sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Trong đó, 2.172 hộ có nhà cặp mé sông từ 0-20m, hiện mới di dời trên 500 hộ. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các C-TDC để di dời các hộ dân vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Bước vào cao điểm mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCLB các cấp túc trực 24/24 để tiếp nhận các thông tin khẩn cấp từ Trung ương và địa phương. Vận dụng sức người tại chỗ để di dời các hộ dân ven biển trong trường hợp khẩn cấp. Nhất là năm nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng nhiều cơn bão muộn đổ bộ vào ĐBSCL có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến Kiên Giang. Do đó, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh kiên quyết không để tàu hoạt động trên vùng biển khi có bão”. Kiên Giang hiện có trên 10.000 tàu khai thác hải sản, trong đó gần một nửa đánh bắt xa bờ. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức và củng cố các đội cứu hộ cứu nạn là ngư dân (tại TP Rạch Giá) để ứng phó, hướng dẫn tàu thuyền trên biển khi có lệnh khẩn cấp từ đất liền. Ngoài ra, các cảng neo đậu tàu thuyền trú bão ở quần đảo Nam Du, An Thới, Thổ Chu, Hòn Chông... sẵn sàng đón nhận và sắp xếp chỗ đậu an toàn cho tàu thuyền để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, các tuyến đê biển từ Hà Tiên đến An Minh đã được tu bổ, sửa chữa; nhiều tuyến tiêu thoát lũ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên thường bị sạt lở đã được nâng cấp ngay từ đầu năm 2009, đảm bảo tiêu thoát lũ. Thông tin từ các lực lượng biên phòng, Vùng E Hải quân, Vùng 5 Cảnh sát biển... tại các đảo, quần đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, công tác cứu hộ cứu nạn trên biển và ven biển đã sẵn sàng làm nhiệm vụ khi nhận được tín hiệu cấp báo từ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Tây-Nam, từ Thổ Chu-Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang) đến hòn Đá Bạc (Cà Mau).

Trên địa bàn TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã triển khai cho các ngành, các cấp tiến hành rà soát và chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện tham gia kịp thời công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy... Có thể nói, hiện nay, hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đã hoàn thành phương án PCLB-TKCN 2009. Đây được xem là tín hiệu tích cực nhằm chủ động ứng phó thiên tai và hạn chế rủi ro trong mùa mưa bão năm nay.

Nhóm PV - CTV

Chia sẻ bài viết