02/03/2008 - 21:22

Cho em hơi ấm tình thương

15 năm qua, Hội Từ thiện TP Cần Thơ là nơi cưu mang, dạy dỗ cho hàng trăm mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Các em không chỉ được học chữ, học nghề mà còn được rèn luyện nhân cách, lý tưởng sống. Tấm lòng nhân ái của các nhân viên ở đây đã giúp các em có được niềm hạnh phúc của tình yêu thương. Nhờ đó, nẻo vào đời của các em cũng bớt chông chênh.

Đồng hành cùng trẻ nghèo, cơ nhỡ

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, phụ trách văn phòng Hội Từ thiện TP Cần Thơ, đối tượng vào Mái ấm của Hội là trẻ đường phố, mồ côi, bị bỏ rơi và trẻ bị lạm dụng cần tách khỏi môi trường sống cũ. Hiện Mái ấm (số 2 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang nuôi dưỡng 21 em, trong đó có 7 em nam. Chủ trương của Hội là cho các em học văn hóa kết hợp học nghề theo năng khiếu để sau này đảm bảo cuộc sống.

Trong Mái ấm này, nhiều em hoàn cảnh rất đáng thương, như Sóc Che, 11 tuổi, người dân tộc Khmer, ở huyện Cờ Đỏ. Che là trẻ mồ côi, không biết chữ, ở với nội trên mảnh đất mượn của người khác. Nhà nghèo, nội già yếu phải làm thuê kiếm sống, không nuôi nổi cháu. Địa phương giới thiệu Che vào Mái ấm. Ngày vô đây, Che bị suy dinh dưỡng nặng, quần áo không lành lặn. Giờ Che học tới lớp 2, mập mạp hơn trước nhiều. Còn Nguyễn Thị Hà Phương, 11 tuổi, là trẻ đường phố. Mẹ bỏ đi, cha có vợ khác, mẹ kế đối xử hà khắc. Không ở nổi với mẹ kế nên Phương bỏ nhà đi và nhập băng nhóm trẻ đường phố, ngày đi xin ăn, tối ngủ lề đường. Một người dân thấy thương quá nên đưa em vào đây. Ngày Tết, ai cũng mong có thân nhân rước về, riêng Phương không chịu hợp tác với các cô để liên lạc với gia đình, nhất định ở lại. Vết hằn tâm lý quá lớn khiến Phương muốn đoạn tuyệt với người thân của mình. Ngược lại với Phương, có những em Tết đến, khách lại cho quà bánh không dám ăn, để dành đem về nhà biếu cha mẹ. Nhưng đợi mãi, đến chiều 30 Tết vẫn không ai rước, các em nức nở đón Tết bằng những dòng nước mắt lặng lẽ.

 Cô Thanh Xuân (bên phải) cùng các em ở Mái ấm của Hội Từ thiện TP Cần Thơ trong một buổi sinh hoạt. 
Ngoài số em được nuôi dạy trực tiếp tại Mái ấm, Hội còn có lớp học tình thương chủ yếu dạy cho con em những gia đình khó khăn, các em vào đời sớm. Lớp vỡ lòng mở mới liên tục và thường 3,4 nhóm đủ trình độ học chung. Cô giáo và các bạn sinh viên tình nguyện thay nhau kèm từng học trò. Hội còn thành lập lớp “Trẻ lớn học nghề”, hiện đang dạy cho 6 em vừa học văn hóa vừa học nghề; nhận đỡ đầu cho 126 em thuộc nhóm cộng đồng ở các phường, xã trong thành phố. Mỗi đầu năm học, Hội lo tất cả dụng cụ học tập cho các em, em nào nghèo được hỗ trợ thêm gạo, học giỏi sẽ có quà, học bổng.

Hội Từ thiện TP Cần Thơ còn có các câu lạc bộ vui chơi, giải trí như đọc sách, vẽ tranh..., dành cho trẻ của Hội và trẻ của các chi hội đến sinh hoạt. Các em được chăm sóc sức khỏe hằng ngày, em nào cũng được mua thẻ bảo hiểm y tế. Trong năm học 2007- 2008, 100% các em ở Mái ấm được đến trường, riêng lớp tình thương luôn duy trì được sĩ số.

Những bàn tay nhân ái

Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân tâm sự: “Lúc đầu nghe nói là từ thiện nên tôi tới giúp, nhưng làm rồi không dứt ra được. Bản thân tôi cũng là trẻ mồ côi, nghèo, nên thương mấy em lắm. Thấy các em vui là tôi vui. Tôi sẽ dành hết tâm huyết của mình để đồng hành cùng quá trình tạo dựng tương lai cho các em”. 13 năm công tác, nhiều em đến rồi đi nhưng cô Xuân vẫn bền lòng ở lại. Biết bao kỷ niệm đã gắn cô với mái ấm này, giờ đây cô đã xem nó như ngôi nhà thứ hai, nhiều em ở đây cũng coi cô như mẹ của mình.

Cô Xuân chia sẻ: “Chứng kiến các em lớn lên, thay đổi từng ngày, theo đó trách nhiệm đối với chúng tôi càng lớn. Tình thương không chưa đủ, chúng tôi phải tự trang bị kiến thức cho mình bằng những lớp tập huấn, mua tài liệu về đọc để hiểu thêm về sự phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi mới lớn để có cách ứng xử cho phù hợp. Điều tôi trăn trở nhất là nhiều em có cha mẹ đầy đủ nhưng không ai nuôi, mồ côi cũng chẳng phải mồ côi, giờ đặt các em ở vị trí nào đây? Người lớn vô tình đã để lại nỗi đau trong lòng con trẻ nhưng các em không nói ra được. Nhìn các em như vậy chúng tôi không chịu nổi, phải tìm cách bù đắp”.

Kinh phí của Hội chủ yếu là vận động qua sự quen biết và do lòng từ thiện của người dân mang đến, hoàn toàn tự túc. Ở Hội, những người còn trẻ thì dạy học, nấu ăn, quản lý trực tiếp các em, các cô chú lớn tuổi thì làm công tác vận động các mạnh thường quân. Ban chấp hành Hội phần lớn đã về hưu, làm vì niềm vui, ý nghĩa công việc của mình, nhiều cô chú không có lương nhưng vẫn nhiệt tâm công tác. Những nhân viên khác, lương không bao nhiêu nhưng cũng ráng gói ghém, cùng động viên nhau vì các em, cố gắng vượt qua khó khăn. Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân kể: “Lúc đầu tiếp xúc với các em không dễ, có em như bị trầm cảm nhưng cũng có em rất hung dữ, không cho ai đến gần, dạy thì trả lời lại, chọc tức các cô”. Nhưng bằng tình thương, các cô đã cảm hóa từng em, đưa các em trở về với đúng con người thật của mình.

Cô Võ Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Từ thiện TP Cần Thơ, cho biết: “Lúc trước, trẻ đường phố ở đây nhiều lắm, tôi chỉ xin thành phố lập một nhóm nhỏ để lo cho các cháu ở địa phương thôi. Thấy ý tưởng khả thi và mang tính nhân đạo cao nên các đồng chí lãnh đạo yêu cầu chúng tôi mở rộng, nhận tất cả các cháu tìm đến đây. Mới đó mà đã 15 năm. Phần lớn các cháu vào đây rồi thì ngoan lắm, chịu học hành. Mong sau này có thêm nhiều người tâm huyết tiếp tục sự nghiệp của Hội, giúp ích cho đời. Trong năm 2008, chúng tôi đã đặt ra rất nhiều mục tiêu để phấn đấu, đặc biệt là công tác giảng dạy và trẻ hồi gia phải đạt kết quả cao hơn năm rồi”.

Như thường lệ, ngày nào các cô chú lớn tuổi cũng họp để bàn kế hoạch, xem kết quả vận động trong ngày ra sao. Năm mới, nhiều dự án sẽ thực hiện, theo đó kinh phí sẽ cần nhiều hơn (năm 2007, Hội vận động được hơn 124 triệu đồng, gạo, tập và những hiện vật khác lo cho trẻ nghèo). Nhưng dù có đạt được chỉ tiêu hay không, qua tấm lòng của các nhân viên ở đây, những món quà đầy tình nhân ái đến đúng địa chỉ, được sử dụng đúng mục đích đã là thành công.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết