18/10/2015 - 09:26

Chiến tranh mạng châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới

Trong nhiều năm, hàng loạt quốc gia đã chi hàng tỉ USD để xây dựng các cơ sở tinh vi nhằm góp mặt vào "câu lạc bộ" các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc gia nhập "câu lạc bộ" vũ khí mạng có vẻ dễ dàng và rẻ hơn nhiều.

Thời gian qua, Mỹ cũng như một số nước khác đã thực hiện thành công một loạt vụ tấn công máy tính. Điều này đã kích động cuộc chạy đua vũ trang kỹ thuật số với sự tham gia của hàng chục quốc gia. Các vụ tấn công có quy mô khác nhau, từ đơn giản như gửi email chứa mã độc để lấy mật khẩu của người dùng, đến phức tạp như thiết lập phần mềm có thể nhận lệnh từ một danh sách luân phiên trên mạng xã hội để tấn công đối phương.

Hoạt động phòng thủ mạng ở căn cứ không quân Petersen của Mỹ. Ảnh: WSJ

Sự gia tăng của các vụ tấn công như trên đã khiến Mỹ và Trung Quốc mới đây phải ký thỏa thuận không tiến hành một số hình thức tấn công mạng nhằm vào nhau, chẳng hạn như xâm nhập đánh cắp thông tin doanh nghiệp và sau đó chuyển cho các công ty trong nước.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật quốc gia vẫn diễn ra, đặc biệt là sau khi nhiều nước khác bắt đầu phát triển vũ khí mạng trên quy mô chưa từng có. Các chuyên gia an ninh cho biết, Pakistan và Ấn Độ thường xuyên tấn công các công ty và chính phủ của nhau; trong khi Estonia và Belarus đang chạy đua xây dựng lá chắn phòng thủ để chống lại Nga; còn Đan Mạch, Hà Lan, Argentina và Pháp thì cũng đã bắt đầu các chương trình phát triển vũ khí tấn công trên máy tính.

Theo ghi nhận của tờ Wall Street Journal (WSJ), ít nhất 29 quốc gia có các đơn vị tình báo hoặc quân đội dành riêng cho việc triển khai các cuộc tấn công mạng. Trong khi đó, khoảng 50 nước đã mua các phần mềm tấn công có thể được sử dụng để giám sát máy tính trong nước và quốc tế. Trong số này, Mỹ được xem là nước sở hữu các loại vũ khí mạng tiên tiến nhất. "Việc phát triển vũ khí mạng không giống như việc phát triển một lực lượng không quân, cả về mặt chi phí và chuyên môn. Anh không cần phải có lực lượng mạng riêng để có khả năng tấn công mạnh mẽ và đáng sợ" - Michael Schmitt, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết. Chẳng hạn các hacker đã phối hợp với Chính phủ Syria thâm nhập máy tính của phe nổi dậy để đánh cắp các thông tin chiến thuật và sau đó sử dụng chúng trên chiến trường.

Theo WSJ, hầu hết các cuộc tấn công mạng nhắm đến chính phủ nước ngoài cũng như Chính phủ Mỹ trong những năm gần đây đều có liên quan đến "cyberspying" – hành động đột nhập mạng máy tính và ăn cắp dữ liệu. Những vũ khí hiện nay còn có khả năng xóa dữ liệu máy tính hoặc thậm chí phá cơ sở vật chất.

Ngoài việc sử dụng các cuộc tấn công để đánh cắp thông tin, xóa dữ liệu trong máy tính đối phương, chính phủ các nước còn dùng vũ khí mạng để vô hiệu hóa các mạng lưới ngân hàng và giao thông, phá hoại các máy ly tâm hạt nhân và lưới điện, ngắt kết nối Internet, tạo nên sự nhầm lẫn cho hệ thống radar... Các chuyên gia nhận định, đa phần các cuộc tấn công mạng rất khó để ngăn chặn và đôi khi không để lại bất kỳ dấu vết nào. Do đó, các nước phương Tây buộc phải bắt đầu điều chỉnh cơ cấu quân đội để có thể đối phó tốt hơn với các mối đe dọa mới.

TRÍ VĂN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết