 |
Vẻ mệt mỏi lộ rõ trên gương mặt Thủ tướng Merkel khi sức ép thay đổi chính sách chống khủng hoảng ngày một tăng. Ảnh: AP |
Châu Âu đang bước sang thời khắc quan trọng, ngóng chờ kết quả cuộc gặp cấp cao Đức - Pháp để xem có thể đẩy lùi sự bi quan đang ngày một lớn về “cơ hội sống sót” của Khu vực đồng euro (Eurozone), trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang ảnh hưởng sâu rộng đến châu lục này.
Ngày 14-5, các bộ trưởng tài chính của 17 nước thành viên Eurozone đã nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để tìm cách giải quyết tình trạng tê liệt chính trị ở Hy Lạp và cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng ở Tây Ban Nha. Chương trình nghị sự của các bộ trưởng trước tiên sẽ tập trung vào tình hình ở Hy Lạp, nước một lần nữa thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh hôm 13-5. Lý do là lãnh đạo cánh tả Hy Lạp Alexis Tsipras muốn nước này ở lại với Eurozone nhưng đòi hủy bỏ các điều khoản đã được Athens nhất trí để đổi lấy gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Quanh vấn đề này, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng điều đó sẽ buộc họ cắt giảm cứu trợ, để Hy Lạp phá sản và rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán châu Âu ngày 14-5 giảm điểm đồng loạt. Chẳng hạn, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,4%, CAC của Pháp giảm 1,9%, DAX của Đức giảm 1,5% và IBEX của Tây Ban Nha giảm tới 2,5%.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình chống khủng hoảng nợ công ở châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hứng chịu một cú sốc lớn sau khi cử tri ở khu vực lớn nhất nước Đức kiên quyết bác bỏ các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của bà cũng như làm suy yếu vị thế của bà tại châu Âu. Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tại bang Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất ở Đức cuối tuần qua, đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel chỉ giành khoảng 26% số phiếu, giảm 9% so với kết quả năm 2010 và là kết quả tồi tệ nhất của CDU tại bang này kể từ sau Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập đạt được 39% (tăng 4% so với năm 2010), đảng Xanh 12% và đảng Dân chủ Tự do, đồng minh của bà Merkel trong chính phủ liên bang, giành 8,5%. Kết quả bầu cử tại bang có 18 triệu dân, chiếm gần 1/4 dân số nước Đức, được xem là “dấu hiệu cảnh báo sớm” đối với liên minh cầm quyền của bà Merkel trong cuộc bầu cử liên bang, dự kiến diễn ra vào năm tới. Nó giúp nâng cao sức ảnh hưởng của SPD và làm lung lay vị thế chính trị của bà Merkel, dù bà vẫn là chính trị gia được yêu thích nhất ở Đức sau 7 năm cầm quyền.
Thất bại nặng nề nói trên tiếp nối làn sóng phản đối chính sách khắc khổ ở Hy Lạp, Ý và Pháp làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của bà Merkel trước cuộc đàm phán đầu tiên với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande, người sẽ bay đến Berlin (Đức) để gặp Thủ tướng Angela Merkel ngay sau buổi lễ tuyên thệ nhậm chức hôm nay. Ngược lại, nó giúp củng cố yêu cầu của ông Hollande về việc phải bổ sung các chính sách kích thích tăng trưởng vào hiệp ước tài chính đã được EU, ngoại trừ Anh và CH Czech, thông qua hồi năm ngoái. Cuộc gặp tại Berlin giữa Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande được dự báo sẽ rất căng thẳng khi ông Hollande khẳng định sẽ quyết tâm theo đuổi việc thay đổi các chính sách chống khủng hoảng nợ công do bà Merkel khởi xướng.
THANH TRÚC (Theo Guardian, Telegraph)