24/06/2008 - 09:30

"Chắp cánh" cho con

Vợ chồng ông Trần Minh Thức và bà Võ Thị Đậm, ở ấp Lân Thạnh, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, có 4 người con thì 3 người là bác sĩ, 1 người là giám đốc công ty cổ phần. Ông bà nói rằng đó là thành quả của một cuộc hành trình nối tiếp những ước mơ giữa hai thế hệ: cha mẹ và con cái. Trong cuộc hành trình ấy, những khát vọng của con cái đã được chắp cánh bởi sự dày công vun đắp của ông Thức và bà Đậm.


Cuộc trò chuyện của chúng tôi và ông Trần Minh Thức cứ bị ngắt quãng liên tục vì mưa. Suốt buổi sáng, mưa rất to, tiếng mưa dội vào mái tôn ầm ầm. Những con sóng từ sông Hậu ì oạp vỗ vào chân sàn nhà. Giọng ông Thức hòa vào tiếng sóng: “Bác thuê đất ở đây từ trước giải phóng. Mấy năm nay, cứ đến mùa nước nổi là cả nhà ngập hết, hai bác lội nước lõm bõm nhưng quen rồi. Với lại, ngôi nhà này đã chứng kiến từng đứa con của bác trưởng thành, làm sao đành bỏ đi...”.

Ông Trần Minh Thức vui vẻ giới thiệu những tấm ảnh của các thành viên trong gia đình.
Ảnh: L.G 

Sau năm 1975, thấy đồng lương dạy học ít ỏi của vợ không nuôi nổi gia đình, ông Thức xin đi chạy máy suốt thuê. Mẹ đi dạy, cha đi làm thuê, con thì “nhốt” trong nhà. Ông Thức kể: “Nhiều người quen đi chợ về thấy mấy đứa con tôi bị nhốt, tội quá, ghé vào cho trái bắp, gói xôi... Những món quà nhỏ tuy giá trị không lớn nhưng đã giúp gia đình tôi tự tin vượt qua khó khăn”. Dầm mưa dãi nắng trên các cánh đồng, trong một lần cho lúa vào máy nhai, cánh tay phải của ông Thức bị máy cuốn, đứt dây gân bàn tay. Từ đó, ông không thể đi làm thuê được nữa. Cuộc sống gia đình càng chồng chất khó khăn.

Nhìn vợ con vất vả, thiếu thốn, ông Thức lo lắng, ray rứt. Có kiến thức y học, từng làm Trưởng Trạm Y tế xã Tân Lộc, ông Thức xin phép xã tổ chức khám chữa bệnh tại nhà. Tận tâm và mát tay, bệnh nhân đến tìm ông ngày một đông. Nhờ thu nhập từ phòng mạch gia đình và đồng lương dạy học của vợ, hai vợ chồng ông có thể nuôi 4 đứa con ăn học. Bây giờ nhắc lại, nhiều người ở ấp Lân Thạnh còn khen: “Mấy đứa con ông Thức rất ngoan, học giỏi”. Tinh thần phấn đấu vượt khó, ham học hỏi của các con ông Thức còn xuất phát từ truyền thống hiếu học của cha, mẹ ...

13 tuổi ông Thức đã tự lên TP Long Xuyên để học cấp hai, vừa học vừa làm thuê. Đến năm lớp 12, một mình ông khăn gói lên Sài Gòn, tiếp tục vừa học vừa làm. Nhiều khi đi làm về, trong túi không còn một đồng, đạp xe dưới trời nắng chang chang, ông đói hoa cả mắt nhưng vẫn không bỏ cuộc. Mơ ước của ông là đậu vào đại học y khoa. Thế nhưng, nỗi lo cơm áo hàng ngày khiến ông không thể tập trung hoàn toàn trí, lực cho việc học. Không vào được đại học y khoa, ông học làm y tá. Ông tâm sự: “Hoài bão tuổi trẻ của mình, bác trao lại cho các con”.

Ông Thức ham học thế, bà Võ Thị Đậm (vợ ông) cũng chẳng kém. Bà về làm vợ ông khi đang học lớp 11. Khi đó, hai vợ chồng giao ước với nhau phải học để có bằng cấp, có nghề nghiệp ổn định. Được sự động viên của chồng, bà Đậm học cùng lúc 2 lớp: sư phạm và y tá. Có 2 bằng cấp nhưng bà lại quyết định theo đuổi nghiệp “gõ đầu trẻ”. Ông Thức cười nói: “Bà xã tôi rất ham học”. Đầu những năm 1980, bà Đậm được cử đi học hoàn chỉnh sư phạm ở Sóc Trăng. Lúc đó, con trai út của ông bà mới 3 tuổi, ông Thức thì bận túi bụi. Thế nhưng, bà Đậm không bỏ cuộc mà mang con theo xuống tận Sóc Trăng. Lúc đó, xe cộ đi lại khó khăn, mỗi tháng hai mẹ con mới về nhà được một lần. Ông Thức nói: “Chắc nhờ hai vợ chồng tôi “siêng học” như vậy nên mấy đứa con cũng học theo”.

Dù bận nhiều việc nhưng vợ chồng ông Thức, bà Đậm luôn dành thời gian dạy dỗ, bảo ban con cách sống, cách ứng xử với bà con chòm xóm. Ông Thức kể: “Vợ chồng tôi xác định phải dạy con sống chân thành, nề nếp ngay từ khi còn nhỏ để làm nền tảng cho cuộc sống sau này khi các con trưởng thành. Tôi không ép buộc các con phải làm thế này, thế kia mà chỉ kể về những ước mơ và thời trai trẻ khó khăn của mình để các con cố gắng hơn”.

Có lẽ từ những câu chuyện của cha mẹ, từ nếp sống gia đình, 4 người con của ông Thức đều trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn. 3 người con đầu của ông quyết tâm thực hiện hoài bão của cha là trở thành bác sĩ. Và họ đã thành công với sự động viên, khuyến khích của cha mẹ. Anh Trần Phước Sang, con trai lớn của ông Thức bà Đậm, hiện là bác sĩ Chuyên khoa I, Phó khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt. Con gái kế Trần Thị Tuyết Mai, hiện là bác sĩ Chuyên khoa I, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh). Con gái thứ 4 là bác sĩ Trần Diễn Phương, hiện là Trưởng bộ phận bán hàng của một công ty dược phẩm tại TP Hồ Chí Minh. Còn cậu con trai út Trần Bỉnh Trị đang là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tư nhân tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Huỳnh Thị Ba, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thốt Nốt, nhận xét: “Gia đình cô giáo Đậm xứng đáng là gia đình hiếu học cấp thành phố, con cái không chỉ học giỏi mà gia đình rất nề nếp, sống chan hòa với bà con lối xóm”. Dù làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhưng khi có người cùng quê lên khám, điều trị bệnh, các con ông Thức đều giúp đỡ tận tình.

*****

Từ phà Tân Lộc nhìn sang, căn nhà tôn cũ kỹ của ông Thức nhỏ bé và khiêm nhường biết bao so với những căn nhà khác xung quanh. Từ căn nhà ấy, những hoài bão, ước mơ đã được ươm mầm, chăm bón bởi tinh thần hiếu học của cha mẹ để những người con trưởng thành, bay cao và bay xa.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết