12/04/2014 - 21:16

GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC MÔI TRƯỜNG Ở KHU CÔNG NGHIỆP

Cần cơ chế hỗ trợ về vốn

Trong tiến trình phát triển trở thành thành phố công nghiệp, Cần Thơ gặp không ít thách thức trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) để mời gọi nhà đầu tư, trong đó có cả vấn đề xử lý môi trường ở các KCN. Nhằm đưa các KCN đi vào hoạt động ổn định, bền vững, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) trong các KCN hoạt động hiệu quả.

* Hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải

TP Cần Thơ hiện có 5/8 KCN đang hoạt động với 211 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 188 dự án đang hoạt động, 15 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa triển khai. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết vấn đề môi trường ở các KCN, thành phố đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Trà Nóc và KCN Thốt Nốt. Trong đó, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Thốt Nốt giai đoạn I đã khánh thành tháng 8-2013 và đi vào vận hành chính thức từ tháng 2-2014. Giai đoạn I của Nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt có công suất xử lý 2.500m3/ngày đêm, vốn đầu tư 52,7 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt, cho biết: "Nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt chủ yếu phục vụ cho các DN thủy sản đang hoạt động trong KCN. Đối với tiêu chuẩn nước thải loại B, khi đưa về nhà máy xử lý, chi phí xử lý đối với mỗi m3 nước thải là 6.500 đồng. Đối với tiêu chuẩn nước thải loại A, khi đưa về nhà máy xử lý chi phí 2.500 đồng/m3. Mức giá này được đưa ra trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các sở, ngành thành phố và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN".

Cán bộ điều hành Nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt ghi lại các thông số kỹ thuật tại các bể xử lý.

Trong khi nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt đi vào hoạt động, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc giai đoạn I đang triển khai thi công cơ sở hạ tầng và lắp đặt thiết bị. Nhà máy được khởi công vào ngày 18-4-2013, với quy mô 12.000m3, tổng vốn đầu tư 213 tỉ đồng. Ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ, cho biết: "Giai đoạn 1 của nhà máy với công suất xử lý 6.000m3/ngày đêm. Tính đến quý I/2014 đã thi công xong bể xử lý trung tâm, bể lắng và bể khử trùng. Tiến độ thi công nhà điều hành trên 85%, nhà xử lý bùn thải 60%. Trong quý II, đơn vị thi công đang gấp rút thi công hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải ở KCN Trà Nóc 2 để đưa nước thải từ các nhà máy chế biến về nhà máy xử lý nước thải tập trung". Theo ông Hồ, tiến độ thi công nhà máy đang đúng kế hoạch đề ra, công ty đảm bảo là tốt công tác giải ngân vốn cho các gói thầu thi công xây lắp và gói thầu nhập thiết bị dây chuyền công nghệ. Kết quả này có được là nhờ nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc được ngân sách hỗ trợ 30%. Phần còn lại là vốn tự có của đơn vị và vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Theo các chủ đầu tư hạ tầng KCN, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các KCN bắt buộc phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung nếu không sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nhà đầu tư hạ tầng phải tự chủ vốn xây dựng nhà máy. Trong khi vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch ở các KCN trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít vướng mắc do các chủ đầu tư không có vốn, thu hút DN thứ cấp vào hoạt động còn hạn chế do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế kéo dài trong thời gian qua. Còn theo một DN thủy sản đang hoạt động trong KCN Trà Nóc, việc đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung DN phải chịu thêm một khoản phí đáng kể. Trong khi trước đây DN đã phải bỏ chi phí ra đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại chỗ và đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định trước khi xả ra môi trường.

* Băn khoăn bài toán hoàn vốn

Trong khi các DN băn khoăn về việc gánh thêm phần chi phí xử lý nước thải thì nhà đầu tư hạ tầng lại lo ngại bài toán hoàn vốn sau khi đầu tư nhà máy xử lý nước thải. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt, cho biết: "Trong khi nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc được vốn ngân sách hỗ trợ 30% thì nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt phải tự chủ toàn bộ kinh phí. Vì thế việc phân kỳ đầu tư nhà máy thành 2 giai đoạn nhằm giải quyết trước mắt nhu cầu xử lý nước thải của các DN trong KCN. Với công suất xử lý 2.500m3 nước thải/ngày đêm, hiện nhà máy đảm bảo xử lý nước thải của 2 DN thủy sản hoạt động trong khu là Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang Seafoods và Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương. Để triển khai tiếp tục giai đoạn 2 đòi hỏi phải có thêm DN thủy sản vào đầu tư, hoạt động trong khu. Trong thời điểm vẫn chưa thu hút thêm DN, nhà đầu tư không thể bỏ vốn ra đầu tư mà không có nước thải để thu gom và vận hành". Còn theo ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ, KCN Trà Nóc đến nay đã cơ bản lấp đầy nên việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải là yêu cầu rất cấp bách. Bên cạnh đó, KCN Trà Nóc là nơi tập trung đa số các DN chế biến thủy sản của thành phố nên nhu cầu xử lý nước thải rất lớn, khả năng hoàn vốn sẽ hứa hẹn hơn. Hiện công ty đang tập trung đấu nối đường ống dẫn nước thải về nhà máy xử lý tập trung để kịp vận hành thử vào quý III/2014. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức, Công ty sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn II để đảm bảo phục vụ nhu cầu xử lý nước thải của các DN trong khu.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết: "Nếu 2 nhà máy xử lý nước thải ở 2 KCN Trà Nóc và Thốt Nốt đi vào vận hành sẽ góp phần giúp thành phố giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường ở các KCN. Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở các KCN là yêu cầu bắt buộc, bởi KCN nào không có nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ bị đóng cửa, ngưng hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những kiến nghị của nhà đầu tư hạ tầng về nhu cầu vốn đầu tư nhà máy, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp cũng như UBND đang tìm giải pháp để các chủ đầu tư có thể tiếp cận các nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để có thể đầu tư nhà máy xử lý nước thải, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết