04/11/2017 - 12:57

Các cựu quan chức Catalonia hầu tòa 

Hôm 2-11, khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình tại thành phố Barcelona để phản đối việc tòa án Tây Ban Nha bắt giam 8 cựu quan chức của chính quyền bị bãi nhiệm ở Catalonia vì tội thúc đẩy ly khai khỏi Madrid.

Theo hãng tin BBC, đám đông biểu tình tập trung bên ngoài nghị viện Catalonia ở Barcelona, trong đó nhiều người mang cờ của vùng và biểu ngữ với nội dung “Tự do cho các tù nhân chính trị”. Những cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra ở các thị trấn khác của vùng Đông Bắc này. Các nhà hoạt động ly khai còn kêu gọi người dân Catalonia tiếp tục xuống đường biểu tình.

Các cựu quan chức Catalonia đến Tòa án Tối cao Tây Ban Nha hôm 2-11. Ảnh: AAP

Trước đó, 9/14 cựu quan chức của Catalonia được triệu tập, bao gồm cựu Phó Thủ hiến Oriol Junqueras, đã trình diện trước Tòa án Tối cao ở Thủ đô Madrid. Họ sau đó bị bắt để phục vụ cuộc điều tra về các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và sử dụng công quỹ sai mục đích. Thẩm phán Carmen Lamela cho rằng các cựu quan chức trên phải bị bắt giữ vì họ có thể rời khỏi Tây Ban Nha hoặc tiêu hủy chứng cứ. Người thứ 9 là cựu Bộ trưởng Kinh doanh Santi Vila được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 50.000 euro do đã từ chức trước ngày nghị viện xứ Catalonia bỏ phiếu thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha 27-10.

Trong bài phát biểu được truyền hình từ một địa điểm bí mật ở Bỉ, cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont lên án việc bắt người của chính quyền Madrid là “vi phạm các nguyên tắc dân chủ cơ bản” và “yêu cầu thả các thành viên chính quyền và phó thủ hiến”. Về phần cựu Thủ hiến Catalonia, các công tố viên cũng đề nghị tòa phát lệnh truy nã trên phạm vi châu Âu đối với ông (từ ngày 3-11) và 4 cựu quan chức khác vốn đã đào thoát sang Bỉ. Bất chấp lệnh triệu tập của tòa, cả 5 vị này từ chối về nước. Bản thân cựu Thủ hiến Puigdemont khẳng định sẽ không hồi hương trừ khi ông nhận được đảm bảo về việc xét xử công bằng.

Luật sư của ông Puigdemont giải thích rằng tình hình trong nước hiện nay “không tốt” để thân chủ của mình trình diện tại tòa, nhưng cũng cho biết cựu Thủ hiến Catalonia sẽ hợp tác với giới chức ở Tây Ban Nha và Bỉ.

Tổng công tố Tây Ban Nha cho rằng cần bắt giam ông Puigdemont tại Bỉ, chờ ngày dẫn độ về nước. Trong khi đó, công tố viên liên bang Bỉ cho biết luật sẽ được áp dụng khi họ nhận được lệnh bắt giữ. Nếu thẩm phán Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ra trát, lệnh truy nã toàn châu Âu sẽ được gửi đến các công tố viên Bỉ và họ có 24 giờ để quyết định văn bản này có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, các công tố viên Bỉ sẽ có 15 ngày để bắt ông Puigdemont và 4 cựu quan chức nói trên. Trong trường hợp 1 hoặc cả 5 vị này kháng cáo, quy trình bắt giữ sẽ phải kéo dài thêm 15 ngày. Theo hãng tin AFP, luật sư của ông Puigdemont khẳng định thân chủ của ông sẽ kháng cáo nếu thẩm phán Bỉ chấp nhận yêu cầu bắt giữ.

Thậm chí, quy trình bắt giữ và dẫn độ ông Puigdemont sẽ chứa đựng nguy cơ xung đột ngoại giao giữa Madrid và Brussels.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết