28/07/2024 - 08:13

Bạo lực âm ỉ trên chính trường Mỹ 

Trong bối cảnh sự phân cực và chia rẽ chính trị ngày càng gia tăng, bạo lực đã tìm đường quay trở lại chính trường Mỹ và mang tính chất đảng phái hơn so với những gì người dân nước này muốn thừa nhận.

Cựu Tổng thống Trump vẫn thể hiện tinh thần chiến đấu sau khi bị bắn sượt ngang tai gây chảy máu trong buổi vận động tranh cử ngày 13-7. Ảnh: AP

Ngày 13-7, cựu Tổng thống Donald Trump bị Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, bắn sượt ngang tai khi đang phát biểu trên sân khấu cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania. Nỗ lực ám sát các nhân vật chính trị lớn ở Mỹ không hiếm, dù gần như đã im ắng khoảng 50 năm qua. Do đó, hành động bạo lực nhắm vào ông Trump không khỏi khiến người dân bàng hoàng. Mức độ quấy rối, đe dọa và bạo lực trong nền chính trị Mỹ, vốn đã trở nên quá phức tạp, vẫn đang là nỗi lo lớn ở nước này.

Bạo lực trải dài lịch sử

Theo báo New York Times, trong số các nền dân chủ ổn định về mặt lịch sử trên thế giới, Mỹ có mối quan hệ đặc biệt phức tạp với tư tưởng bạo lực chính trị nhân danh công lý xã hội.

Những năm 1960 và 1970 là thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử chính trị Mỹ, được đánh dấu bằng hàng loạt màn phô trương bạo lực. Thời gian này, trong 3 chu kỳ bầu cử liên tiếp, đã có nhiều nỗ lực ám sát nhắm vào các tổng thống và ứng viên tranh cử. Một trong những sự kiện gây tranh cãi đến nay là Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963. Đây cũng là thời kỳ có nhiều vụ việc phe cực tả sử dụng bạo lực chính trị để giải quyết "vấn đề công lý xã hội".

Từ những năm 1980 cho đến 2010, bối cảnh thay đổi với bạo lực được sử dụng để thúc đẩy các chương trình nghị sự như quyền sinh sản của phụ nữ, môi trường và quyền động vật. Đặc điểm quan trọng của giai đoạn này là làn sóng bạo lực mang tính chất tư tưởng nhiều hơn.

Ở hiện tại, khi niềm tin và hoạt động cực đoan phổ biến, bạo lực tự phát do cá nhân thực hiện giờ lại có tính đảng phái nhiều hơn. Ví dụ, vào năm 2011, nghị sĩ đảng Dân chủ Gabby Giffords và 17 người khác trở thành nạn nhân trong vụ xả súng bên ngoài một siêu thị vì cái mà kẻ tấn công gọi là "những từ ngữ thù hận" chống lại đảng Cộng hòa. Năm 2017, một tay súng đơn độc tự xưng người ủng hộ nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders đã nổ súng vào nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đang luyện tập chuẩn bị cho một trận bóng chày từ thiện ở Virginia.

Sau cuộc nổi loạn ngày 6-1-2021 tại Đồi Capitol gây chấn động thế giới, bạo lực chính trị vẫn âm thầm tiếp diễn ở Mỹ. Theo đó, một người đàn ông đã cố sát hại Thẩm phán Brett Kavanaugh trong năm 2022 vì những quan điểm kiểm soát súng và quyền sinh sản. Cùng năm, chồng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi bị tấn công tại nhà riêng. Năm ngoái, một người đàn ông có tiền sử bệnh tâm thần đã cố sát hại nghị sĩ đảng Dân chủ Gerry Connolly ngay tại văn phòng quận.

Quan điểm và lý do

Tại Mỹ, nhiều người vẫn đồng tình với phát ngôn của cố Tổng thống Thomas Jefferson (giai đoạn 1801-1809) rằng "cây tự do phải được chăm sóc tốt theo thời gian bằng máu của những người yêu nước và bạo quyền". Lập luận này phần nào biện minh cho làn sóng bạo lực chính trị âm ỉ tại xứ cờ hoa. Thay vì nói người Mỹ "liệu có" ủng hộ bạo lực chính trị hay không, các nhà nghiên cứu cho rằng câu hỏi đúng nên là "khi nào" họ coi nó là cần thiết. Và nếu sự chấp nhận bạo lực chính trị ở Mỹ đã tồn tại từ đầu, đường nét của nó đã thay đổi theo những cách đáng báo động.

Bộ An ninh Nội địa và Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang “lo ngại về khả năng xảy ra các hành động bạo lực hoặc trả đũa tiếp theo” sau vụ cựu Tổng thống Trump bị ám sát hụt. Theo báo cáo của 2 cơ quan này, một số cộng đồng trực tuyến “đã đe dọa, khuyến khích hoặc đề cập đến các hành động bạo lực” nhằm đáp trả vụ nổ súng nhắm vào ông Trump.

Theo kết quả khảo sát vào tháng 6 năm nay, khoảng 20% người tham gia tin việc sử dụng bạo lực thúc đẩy ý tưởng chính trị đôi khi là chính đáng; và 60% coi đây là hành động cần thiết nếu người thuộc phe phái khác có hành vi gây hại trước. Trong nghiên cứu năm 2021, chuyên gia chính trị Nathan P. Kalmoe và Lilliana Mason nói rằng nếu xét dân số theo đảng phái thì có khoảng 20 triệu người Mỹ ủng hộ bạo lực trắng trợn nhắm vào các nhà lãnh đạo khác quan điểm vì mục tiêu chính trị. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại khi nó phản ánh đặc điểm tính cách, nhất là thái độ hung hăng bị đẩy đi quá xa có thể làm tăng nguy cơ khủng bố. Sau tính hung hăng, "sức mạnh bản sắc đảng phái" là yếu tố quan trọng kéo dài tình trạng bạo lực. Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều người Mỹ sử dụng mối liên kết đảng phái chính trị như nguồn ý nghĩa và bản sắc xã hội trong hoạt động giải trí, tiêu dùng, thị hiếu thẩm mỹ và đạo đức cá nhân.

Sự phát triển của mạng xã hội với nạn tin giả và thuyết âm mưu cũng góp phần khiến người dân Mỹ ngày càng dễ dãi với bạo lực chính trị. Trong đó, giới chuyên môn ghi nhận mối đe dọa đối với các nhà lập pháp đã tăng gấp 10 lần kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016. Năm 2020, xu hướng này tiếp tục lan rộng khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sau những tuyên bố sai lệch của ông Trump về kết quả bầu cử tổng thống. Điều này nói lên thực tế bản thân các chính trị gia đang đóng vai trò gây chia rẽ, thúc đẩy cái gọi là "chủ nghĩa bộ lạc chính trị" và dẫn đến hành động bạo lực một cách không thể tránh khỏi mà nỗ lực ám sát ông Trump vừa rồi là ví dụ mới nhất.

Tóm lại, ngay sau sự kiện ngày 13-7, việc lưỡng đảng lên án hành vi ám sát các nhà lãnh đạo thuộc các đảng phái ở Mỹ phần nào giúp giảm leo thang và ngăn chặn bạo lực. Nhưng về lâu dài, nước Mỹ cần những biện pháp cải cách có hệ thống trong tiến trình bầu cử, chính sách trị an công bằng và phát ngôn chính trị mang tính hòa giải, minh bạch hơn của các chính trị gia để thu hẹp rạn nứt ngày càng tăng trong xã hội phân cực.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết