08/02/2009 - 20:05

Bản lĩnh anh lính quân bưu

Trung úy Mai Hải Đông chăm sóc luống hẹ, tăng gia sản xuất.
Ảnh: S.H

Khác với những tiết kiểm tra gắt gao, căng thẳng trong trường học, buổi kiểm tra kiến thức cuối năm của những chiến sĩ thông tin ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 29 thông tin, Quân khu 9 diễn ra trong không khí vui vẻ, nhẹ nhàng, nhưng rất nghiêm túc. “Đứng lớp” kiểm tra nghiệp vụ cho các chiến sĩ chính là Trung úy Mai Hải Đông, Trung đội phó Trung đội 6, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 29 thông tin. Anh luôn muốn truyền lại cho các chiến sĩ mới những kinh nghiệm hơn chục năm kể từ ngày anh khoác áo lính...

Tuy đã 30 tuổi đời và 11 tuổi lính, thế nhưng cái nắng của những ngày lăn lộn quân trường, những ngày cọc cạch đạp xe đi giao thư từ, công văn vẫn chưa làm mất đi nét thư sinh trên gương mặt của anh lính quân bưu Hải Đông. Lớn lên ở thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre, nhưng Hải Đông phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở. Anh kể: “Ba bệnh nặng, nằm viện trong một thời gian dài, mẹ phải ở suốt trong bệnh viện để lo cho ba. 3 anh em Hải Đông phải nương nhau mà sống”.

Hải Đông nghỉ học ở nhà chăm sóc mấy công vườn trồng dừa, chanh, ổi. Còn người anh Hai thì đi làm phụ hồ kiếm tiền gởi cho mẹ chăm sóc ba và lo cho đứa em gái út ăn học. Năm 19 tuổi, lúc bấy giờ, nơi Hải Đông sống bùng lên phong trào đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh. Cũng như bao thanh niên nông thôn khác, Hải Đông chỉ nghĩ phải cố gắng kiếm việc làm để nuôi bản thân và gia đình. Thế là anh nộp đơn xin việc vào Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh. Khi anh đang tham gia học lớp Luật Lao động do Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức để chuẩn bị bổ túc hồ sơ xin việc thì cũng là lúc anh nhận giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hải Đông nhớ lại: “Khi nhận giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì cuộc sống quân ngũ sẽ rèn luyện giúp tôi cứng cáp, trưởng thành hơn về mọi mặt. Nhưng lo vì gia đình quá khó khăn, làm sao ra đi mà bỏ lại gánh nặng hết cho anh Hai được!”. Nghĩ là vậy, nhưng khi có sự động viên, lý giải tận tình của các cán bộ quân khu, sau Tết Đinh Sửu (1997), Mai Hải Đông mạnh dạn lên đường nhập ngũ.

Vào quân đội, 3 tháng quân trường là nỗi nhớ nhà dằng dặc nhưng cùng với nỗi nhớ ấy, “chất lính” dần nhiễm vào Hải Đông. Anh bắt đầu thấy yêu màu áo xanh người lính. Thế là, Hải Đông làm đơn tình nguyện ở lại phục vụ quân đội lâu dài và xin đi học lớp hạ sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin, sau đó về phục vụ tại Đại đội 3 thông tin.

“Đảm bảo thông tin quân bưu”, nhiệm vụ mới nghe tưởng rất đơn giản, nhưng thật không dễ dàng, nhất là với người mới chập chững vào nghề như Hải Đông. Anh luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về công tác thông tin liên lạc cách mạng: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Nhận thức được điều này, Hải Đông đã cố gắng rất nhiều. Nào là phải nhớ thật chính xác các mật ngữ, tên các hòm thư, địa điểm đóng quân, rồi học cách sắp xếp thư từ, công văn sao cho khoa học... Cần cù, chịu khó, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, không ngừng học hỏi từ những đồng đội, đồng chí, người lính quân bưu Hải Đông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ giao thư từ, công văn nội tuyến...

Sau thời gian được huấn luyện, quá trình giao nhận thư từ, công văn nhanh chóng, kịp thời, đúng thủ tục, không để xảy ra sai sót, Hải Đông được giao đi ngoại tuyến. Bây giờ, mỗi lần nhắc lại, anh vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên anh nhận nhiệm vụ đi ngoại tuyến. Anh kể: “Nhận lệnh hôm sau đi ngoại tuyến ở An Giang, tôi hồi hộp lắm! Suốt đêm gần như không ngủ được vì không biết đoạn đường xa, ngắn thế nào. Hơn 30 công văn, nhiều tạp chí được lệnh phải giao cho chính xác địa điểm... Rồi nào là chuẩn bị sắp xếp công văn vô cặp, tạp chí thì vô bao. Rồi phải hỏi anh em đi tàu xe thế nào, giá cả ra sao... tôi mới an tâm chợp mắt”. 5 giờ sáng hôm sau, một mình với chiếc túi công văn và bao tạp chí, Hải Đông “bắt” xe đò đến bến xe Long Xuyên, thực hiện chuyến ngoại tuyến đầu tiên của mình. Nhờ chuẩn bị chu đáo, chuyến công tác đầu tiên ấy, Hải Đông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: vừa giao công văn, tạp chí đến Tỉnh đội An Giang và các đơn vị chủ lực của Quân khu đóng trên địa bàn tỉnh, vừa phải chờ nhận công văn, thư từ, tạp chí chuyển về đơn vị đúng 12 giờ 30 phút. Hải Đông bộc bạch: “Công văn, thư từ của Quân khu, thông tin phải được bảo mật nghiêm ngặt hơn so với công tác bưu chính bên ngoài. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc giao nhận công văn, văn kiện kịp thời, chính xác còn phải đảm bảo bí mật, an toàn cho cả người và công văn. Đây không chỉ là quy định của ngành mà còn là lời dặn của Bác Hồ đối với ngành thông tin, do đó phải thuộc nằm lòng và thực hiện thật tốt”.

Năm 1999, anh lính quân bưu Mai Hải Đông được kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, anh nghĩ: như lời Bác dạy “Thông tin liên lạc là dây thần kinh, mạch máu con người”. Vì thế, đã là anh bộ đội Cụ Hồ, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, phải tiếp tục học tập, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghiệp vụ... Thế là, năm 2000, Hải Đông đăng ký học bổ túc. Anh bộc bạch: “Đơn vị đã chấp nhận cho tôi đi học, đây là một nhiệm vụ. Chính vì thế, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố gắng học... Lúc bấy giờ, anh Công - Chính trị viên của Đại đội, ngày nào cũng kiểm tra bài của tôi. Mấy anh nói có như vậy thì tôi học mới tốt, thi mới đậu... Quả thật, nếu không có sự động viên, giúp đỡ tận tình đó, tôi không biết mình có vượt qua được khó khăn đó không”. Bởi như anh kể, khoảng thời gian ấy, ngày nào cũng vậy, sáng, chiều phải tham gia huấn luyện nghiệp vụ. Anh chỉ tranh thủ được thời gian buổi trưa học bài, nhiều hôm buổi chiều, vừa làm cỏ, trồng rau, tăng gia sản xuất, anh phải vừa lẩm nhẩm lại bài học để tối lên lớp. Thời gian thì eo hẹp, đơn vị chấp nhận cho đi học ủng hộ bằng tinh thần. Với đồng lương của người lính chỉ hơn 500 ngàn đồng/tháng, Hải Đông phải dành dụm để đóng tiền học, chi tiêu cá nhân... Nhưng với bản tính cần cù, tiết kiệm và nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu của người đảng viên, Hải Đông đã vượt qua tất cả và đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2003, Hải Đông được giao giữ chức Trung Đội phó và được thăng cấp hàm sớm với cấp bậc Thiếu úy. Do luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền Hải Đông được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm 2007, được vinh dự phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và được thăng cấp hàm sớm lên Trung úy. Hải Đông cho biết sẽ tiếp tục học thêm nữa để nâng cao trình độ và nghiệp vụ.

Hiện nay, với vai trò là Trạm trưởng Trạm thông tin và là Trung đội phó, Hải Đông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng đội ngũ trưởng ca và nhân viên trong trạm khai thác, vận hành hàng trăm ngàn công văn, tài liệu các loại, vận hành trên quãng đường hàng trăm ngàn km đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, Hải Đông còn thường xuyên đề xuất, tham mưu với lãnh đạo chỉ huy những kinh nghiệm, biện pháp hay trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Gương mẫu giáo dục nhân viên chiến sĩ trong trạm nắm chắc các đầu mối liên lạc, các quy định trong giao nhận công văn, tài liệu đảm bảo thông tin được thông suốt, an toàn trong mọi tình huống.

Trung tá Phạm Ngọc Quang, Chính trị viên, Bí Thư Đảng ủy Tiểu đoàn 1, cho biết: “Trung úy Hải Đông xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, thường xuyên trau dồi chuyên môn, tạo điều kiện giúp đỡ cấp dưới cùng hoàn thành nhiệm vụ, phát huy tốt nhiệm vụ người đảng viên. Do đó, nhiều năm liền Trung úy Hải Đông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, riêng năm 2007 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Đồng chí Hải Đông cũng đã giới thiệu 4 đoàn viên ưu tú vào Đảng”. Chiến sĩ binh nhì Huỳnh Mẫn Đạt, nhận xét về Hải Đông: “Anh Đông vui vẻ, hòa đồng với đồng chí, đồng đội, luôn giúp đỡ cấp dưới trong học tập cũng như chuyên môn. Không chỉ vậy, anh Đông còn rất tích cực trong phong trào tăng gia, sản xuất”.

Vốn là “con nhà nông”, đã quen với việc cầm cuốc, nên Hải Đông rất năng động, hoạt bát trong tăng gia sản xuất. Anh thường xuyên vận động, hướng dẫn đồng đội cùng phát cỏ, khiêng đất về trồng rau, đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi heo, bò... góp phần cải thiện bữa ăn cho anh em. Cũng từ nguồn thu này đã tạo nguồn phục vụ vật chất, tinh thần cho chiến sĩ như: mua tạp chí, sách báo để anh em trong đơn vị tiếp cận thông tin; mua bóng đá, bóng chuyền, cầu lông để anh em giải trí, chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe vào mỗi buổi chiều. Hải Đông còn tham gia chăm sóc các bồn hoa, cây xanh, xây dựng hạ tầng xung quanh đơn vị, sửa chữa phương tiện phục vụ cho công tác chuyên môn... Trong năm 2008, trung đội của Hải Đông đã thu hoạch gần 4.000kg rau xanh, củ quả các loại, gần 200kg cá... vượt chỉ tiêu trên giao.

Những nền đá, xi măng, xung quanh khu vực Tiểu đoàn 1 giờ đây đã trở thành những luống đất cao phủ kín rau xanh. Nhìn những luống hẹ, bạc hà, rau cải... xanh tốt đang vươn mình trong nắng, Hải Đông hãnh diện khoe: “Chỉ một chuyến ra Hà Nội học nghiệp vụ mà mình đã được 2 lần vào Lăng viếng Bác. Tôi nguyện noi gương Bác Hồ cố gắng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, lao động tốt, cống hiến tốt xứng đáng là người lính Cụ Hồ trong thời kỳ mới”- gương mặt anh lúc bấy giờ tràn ngập niềm hạnh phúc...

L.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết