Hải quân Ấn Ðộ vừa cùng lúc hạ thủy 3 tàu chiến tự đóng, gồm tàu ngầm INS Vagsheer, tàu khu trục INS Surat và khinh hạm INS Nilgiri trong bối cảnh New Delhi tìm cách tranh giành ảnh hưởng chiến lược với Trung Quốc trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tàu ngầm INS Vaghsheer của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: euro-sd
Ðây là lần đầu tiên Hải quân Ấn Ðộ đưa vào vận hành 3 tàu chiến lớn cùng lúc. Trong số đó, khu trục hạm INS Surat được đóng theo Dự án 15B có lượng giãn nước 7.400 tấn và dài 163m. Tàu được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có tầm bắn lên đến 800km và tốc độ Mach 3, tên lửa phòng không Barak-8 và những vũ khí chống ngầm tiên tiến như ngư lôi 533mm và rocket RBU-6000.
Trong khi đó, INS Nilgiri là tàu đầu tiên của lớp khinh hạm tàng hình Project 17A. Con tàu sở hữu thiết kế tiên tiến như lớp phủ chống phản xạ radar và hình dạng được tối ưu cho việc tàng hình. INS Nilgiri nặng 6.670 tấn, được trang bị vũ khí và cảm biến tiên tiến, gồm pháo hạm bắn siêu nhanh OTO Melara 76mm, tên lửa chống hạm BrahMos cùng khả năng mang theo 2 trực thăng nội địa HAL Dhruv cho nhiệm vụ đổ bộ, trinh sát và chống ngầm.
Còn tàu ngầm INS Vaghsheer có khả năng tàng hình tiên tiến, được trang bị công nghệ hấp thụ âm thanh tinh vi cũng như hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí. Với khả năng phóng ngư lôi và tên lửa chống hạm, INS Vagsheer có thể tấn công các mục tiêu ở cả trên không và trên biển.
Phát biểu tại buổi lễ hạ thủy ở thành phố Mumbai hôm 15-1, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi nói rằng quốc gia Nam Á này đang “trở thành một cường quốc hàng hải lớn của thế giới”. “Chúng tôi đang tiến tới một bước lớn trong việc tăng cường năng lực hải quân trong thế kỷ này. Việc hạ thủy 3 tàu chiến của hải quân đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa tầm nhìn của Ấn Ðộ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất quốc phòng và an ninh hàng hải. Sáng kiến “Make in India” không chỉ nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang Ấn Ðộ mà còn mở ra những con đường mới cho sự tiến bộ kinh tế” - ông Modi tuyên bố.
Thủ tướng Modi tiết lộ, Ấn Ðộ đang đóng 60 tàu hải quân lớn, trị giá tổng cộng khoảng 1.500 tỉ rupee (hơn 17 tỉ USD) và tạo ra giá trị kinh tế tương đương 3.000 tỉ rupee. Trong đó, đóng mỗi tàu tạo ra tới 14.000 việc làm cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ Rajnath Singh nhấn mạnh, việc đưa vào biên chế 3 tàu chiến tiên tiến không chỉ là cột mốc quan trọng đối với Hải quân Ấn Ðộ mà còn là minh chứng cho sức mạnh của quốc gia này tại Ấn Ðộ Dương, khu vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế đối với Ấn Ðộ. Ông Singh cũng khẳng định cam kết của Chính phủ Ấn Ðộ trong việc tăng cường an ninh quốc gia và đạt được sự tự chủ chiến lược, với trọng tâm là hiện đại hóa lực lượng vũ trang và hoàn thành các cải cách quan trọng vào cuối năm 2025. Theo ông Singh, tầm quan trọng chiến lược trước đây vốn do Ðại Tây Dương “thống trị” đang dần chuyển sang Ấn Ðộ Dương. Do đó, khu vực này đang trở thành trung tâm của sự cạnh tranh quốc tế.
Trong bối cảnh trên, Ấn Ðộ đang thúc đẩy hiện đại hóa vũ khí chủ yếu từ thời Liên Xô và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ, New Delhi hồi năm 2024 đã chi tới 15 tỉ USD cho sản xuất quốc phòng trong nước, tăng khoảng 17% so với năm 2023. Phần lớn trong số này được Ấn Ðộ dùng để mở rộng hải quân. Hiện New Delhi có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu chiến và tàu ngầm từ khoảng 150 chiếc hiện tại lên 170 chiếc trong thập
niên tới.
Tờ Al Jazeera cho hay, Ấn Ðộ đã đưa vào biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên vào năm 2022 trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Song, New Delhi vẫn là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bất chấp nỗ lực của Thủ tướng Modi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga - nhà cung cấp khí tài quân sự chính của Ấn Ðộ. Nước này cũng đã ký các thỏa thuận vũ khí lớn và phê duyệt các liên doanh giữa các công ty sản xuất quốc phòng Ấn Ðộ với các công ty Mỹ, Israel hay Tây Ban Nha. Ngoài ra, Ấn Ðộ cũng đang đàm phán với Pháp về các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD để mua chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm lớp Scorpene.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)