31/10/2021 - 09:21

“Yếu tố Mỹ” khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần hơn 

Hai tháng sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, Nga ra sức ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự của Washington tại khu vực, trong khi xem Trung Quốc là đối tác tiềm năng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận chống khủng bố. Ảnh: SCMP

Tăng cường hiện diện quân sự

Ba thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn là nhà đảm bảo an ninh chính ở Trung Á. Hàng ngàn binh sĩ Nga được triển khai đến các căn cứ ở 3 trong số 5 nước cộng hòa Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, vốn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu. Mát-xcơ-va đồng thời cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Á, chiếm hơn một nửa lượng chuyển giao vũ khí của khu vực trong giai đoạn 2015-2019.

Thế nhưng, sự trở lại của Taliban đặt ra những thách mới đối với vai trò của Nga trong khu vực. Trong lần đầu nắm quyền giai đoạn 1996-2001, Taliban cung cấp nơi trú ẩn và huấn luyện cho các tay súng Hồi giáo ở Trung Á luôn tìm cách lật đổ các chính quyền lâu đời của khu vực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Taliban đã tìm cách trấn an các nước láng giềng Trung Á và Nga bằng cách tuyên bố khi trở lại nắm quyền, lực lượng này sẽ không cho phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các cuộc tấn công chống lại các quốc gia khác.

Song, Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Liên Xô thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng Taliban sẽ “nói dễ hơn làm”. Theo ông Pritchin, mặc dù bản thân Taliban không muốn tiến hành các cuộc tấn công qua khu vực biên giới phía Bắc Afghanistan nhưng một số nhóm phiến quân ở Trung Á có thể nung nấu ý định phát động giao tranh và không có gì đảm bảo rằng Taliban sẽ thành công trong việc kiểm soát tình hình.

Một mối lo ngại khác là tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết tình báo nước này ước tính có ít nhất 2.000 tay súng IS hiện diện tại miền Bắc Afghanistan. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương lo ngại thủ lĩnh lực lượng này đang có kế hoạch xâm nhập vào Trung Á và Nga dưới vỏ bọc người tị nạn để kích động xung đột tôn giáo và sắc tộc.

Chính vì vậy, Nga đã tìm cách chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn này bằng cách mở rộng hoạt động quân sự tại khu vực. Chỉ vài ngày trước khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15-8, Nga đã tổ chức 2 cuộc tập trận chung tại Tajikistan và Uzbekistan với sự tham gia của tổng cộng 4.000 binh sĩ. Vài tuần sau đó, Nga điều hàng trăm binh sĩ tham gia cuộc tập trận CSTO ở Kyrgyzstan. Nga cũng tái trang bị cho căn cứ quân sự số 201 của nước này ở Tajikistan, bổ sung nhiều loại súng trường, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống tên lửa phòng không mới. Hôm 10-9, Quân khu Trung tâm của Nga thông báo sẽ bàn giao 30 xe tăng mới cho căn cứ này vào cuối năm nay.

Gần đây nhất, hôm 18-10, CSTO đã tiến hành cuộc tập trận gần biên giới Tajikistan với Afghanistan. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày này với sự tham gia của hơn 4.000 binh sĩ và 100 hệ thống pháo binh là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của CSTO trong những năm gần đây. Cuộc tập trận diễn ra trùng với chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Taliban tới Mát-xcơ-va hôm 20-10 để tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về Afghanistan do Nga dẫn đầu.

Bắt tay với Trung Quốc

Tuy vậy, đối phó với các nhóm phiến quân không phải là ưu tiên duy nhất của Nga tại Trung Á. Ngay cả trước khi lực lượng Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan vào ngày 31-8, chính quyền Tổng thống Biden còn tính điều động binh sĩ và máy bay chiến đấu tới Trung Á. Một số quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, sự hiện diện quân sự tại khu vực sẽ giúp Washington thuận tiện thực hiện hoạt động trinh sát hoặc không kích trên lãnh thổ Afghanistan. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tại Mát-xcơ-va, người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng “sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các nước Trung Á dưới bất kỳ hình thức nào là không thể chấp nhận được”.

Trái lại, khi hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Afghanistan, Nga tỏ ra “dễ dãi” hơn rất nhiều. Vào đầu tháng 8, hơn 10.000 binh sĩ Nga và Trung Quốc đã tập trận chống khủng bố tại khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, phía Tây Bắc Trung Quốc. Còn hồi tháng 9, hai nước đã tổ chức cuộc tập trận chống khủng bố chung khác tại khu vực gần biên giới của Nga với Kazakhstan. Ngoài ra, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh cũng tìm cách phối hợp trong các nỗ lực ngoại giao về vấn đề Afghanistan. Ðơn cử, CSTO và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc đứng đầu hôm 15-9 đã tổ chức hội nghị tại thủ đô Dushanbe (Tajikistan) để thảo luận về tình hình Afghanistan.

Alexei Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Ðại học Quốc gia Mát-xcơ-va, cho rằng dù Nga và Trung Quốc từ lâu được coi là đối thủ kinh tế ở Trung Á nhưng cuộc khủng hoảng Afghanistan đã khiến hai nước phải gạt bỏ những bất đồng trong khu vực để cùng nhau chống lại mối đe dọa chung. Theo ông Maslov, cả Mát-xcơ-va và Bắc Kinh có những chiến lược khác biệt nhưng tương thích với nhau để giảm thiểu mối đe dọa từ Afghanistan. Trong khi quân đội Nga đóng vai trò là “bức tường thành” ở biên giới phía Bắc Afghanistan thì Trung Quốc có thể giúp ổn định tình hình bên trong nước này bằng cách viện trợ kinh tế cho Kabul. Hơn nữa, hai bên đều mong muốn hợp tác để ngăn lực lượng Mỹ thiết lập sự hiện diện tại khu vực.

Ông Maslov bình luận: “Trung Á có lẽ là khu vực duy nhất trên thế giới mà lợi ích của Nga và Trung Quốc sẽ luôn đối nghịch với Mỹ vì họ coi nơi đây là phạm vi ảnh hưởng lịch sử của mình. Cũng như ở những nơi khác trên thế giới, “yếu tố Mỹ” là động lực chính thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn”.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết