01/01/2012 - 20:45

“Nam Phong lan”

“Nam Phong lan” bên vườn lan đang trổ hoa
rực rỡ.

Lập nghiệp và sinh sống bằng nghề cơ khí, sửa chữa máy dầu, nhưng ông Nguyễn Văn Nam, ngụ khóm 1, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, lại được mọi người nhắc đến với biệt danh “Nam Phong lan”. Ông Hai Nam cũng không ngờ rằng thú chơi phong lan thỏa niềm đam mê lại giúp ông “hái ra tiền”, cải thiện cuộc sống gia đình.

Trời đã chập choạng tối mà vợ chồng ông Hai Nam vẫn còn ở ngoài vườn lan, cố gắng cắt thêm vài trăm nhánh hoa để cho con trai kịp giao cho khách buổi sáng sớm. Nhìn vườn lan hơn 1.000m2 trồng đủ loại lan: đen-rô, hồ điệp, mô-ka-ra... trổ hoa màu sắc rực rỡ, khiến chúng tôi say sưa ngắm. Cắt hoa xong, ông Hai Nam kéo dây tưới lan rồi tranh thủ xịt những vò đang bị nấm. Ông Hai cho biết: “Làm nghề này cũng khá nhẹ nhàng nhưng phải quần quật suốt ngày, không ngơi tay được”.

Rót trà mời chúng tôi tại vườn lan, ông Hai nhớ lại nghề trồng lan của mình, mà ông cho là “làm chơi ăn thiệt”. Ông Nam vốn sống bằng nghề hàn tiện, sửa chữa máy móc ở chợ Cái Vồn từ lúc chưa lập gia đình đến giờ. Ông rất mê trồng hoa kiểng, nhất là hoa lan. Đi nơi nào thấy lan đẹp, kiểu dáng và màu sắc hoa lạ ông cũng mua về treo trước sân. Ông còn tập tành nhân giống ra để trồng. Dần dần, sân lan của ông có đến hàng trăm vò, ai đi qua lại cũng phải trầm trồ. Khoảng đầu năm 2000, ông tận dụng hơn 1 công đất vườn tạp (trong tổng số hơn 4 công đất nhà) để trồng lan. “Lúc đầu gia đình cũng ngăn cản vì thấy chi phí quá lớn, không biết sẽ bán ở đâu, để làm gì. Nhưng sau gần 4 năm gầy dựng, vườn lan cho thu nhập khá và mọi người ủng hộ tôi rất nhiều” - ông Nam nhớ lại.

Vườn lan cho thu hoạch hoa khoảng 8 - 9 tháng (từ tháng 3 đến tháng 12, các tháng còn lại để chăm sóc, dành thời gian cho cây phục hồi). Hiện tại, giá 1.000 đồng/hoa, 5.000 đồng/nhánh, chủ yếu ông cung cấp cho các tiệm hoa tươi ở chợ Cái Vồn và TP Cần Thơ. Số hoa mỗi ngày đều không đủ cung ứng cho thị trường. Chỉ riêng tiền bán hoa, trừ chi phí, 1 công vườn lan cho thu nhập gần 60 triệu đồng/năm, khoản thu nhập mà ít loài cây nào sánh kịp. Đó là chưa kể ông Nam còn nuôi những cây lan đẹp, gắn vào cây khô nghệ thuật để bán kiểng. Trị giá mỗi nhánh cây lên đến hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng và chơi lan nghệ thuật, ông Hai Nam xem những hoa lan tươi đẹp, rực rỡ sắc màu như một người bạn thủy chung. Dù vẫn chuyên nghề sửa chữa máy móc nhưng sáng, chiều, ông đều cùng vợ tới chăm sóc vườn lan, cách nhà gần 1 cây số. Chính vì gắn bó, say mê như thế nên ông Nam hiểu rõ tính nết, đặc điểm của từng loại lan. Ông say sưa kể với chúng tôi: cây đen-rô không thích ẩm, cây mô-ka-ra thường bị nấm lá như thế nào, cách tưới nước ra sao... Mỗi khi có việc đi xa vài ngày, ông lại nhớ vườn lan, lòng bồn chồn chỉ muốn về ngay. Theo ông, nghề trồng phong lan đòi hỏi kiên trì, theo dõi từng ngày để nắm hết biểu hiện của từng loại cây, nhất là chú ý yếu tố phân và nước cân đối để tránh làm khô hanh hoặc úng cây.

Dẫu biết khá nhiều như thế nhưng thấy có sách hay về cây phong lan là ông mua bằng được. Ông Hai Nam tranh thủ “lướt web”, tìm hiểu thêm về các loài lan. Nơi nào tổ chức lễ hội hoa, triển lãm sinh vật cảnh, dù ở ĐBSCL hay thậm chí TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt... ông cũng tham dự rồi ghi chép, chụp ảnh làm tư liệu. Ông Hai Nam đã đạt được rất nhiều giải thưởng, huy chương cấp khu vực và toàn quốc. Trong đó có 2 lần ông đạt 2 huy chương vàng từ vò lan đen-rô và hồ điệp, tại Cuộc thi Phong lan đẹp trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 220 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tại tỉnh Tiền Giang.

Đã bước qua tuổi 52, ông Hai Nam còn rất khỏe mạnh, cường tráng; tính vui vẻ, hào sảng. Người dân ở huyện Bình Minh quý mến ông Nam không chỉ vì tính chịu thương, chịu khó mà còn ở sự chia sẻ, giúp đỡ những người cùng đam mê. Ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh vật cảnh huyện Bình Minh kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phong lan huyện Bình Minh. Ông Nam sẵn lòng hướng dẫn kinh nghiệm trồng lan cho mọi người, dù quen biết hay không. Giống lan phải mua ở TP Hồ Chí Minh hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan... nên khó mua và giá cao. Do có quen biết nên mỗi chuyến đi mua lan giống ông thường nhận mua giùm người này, người khác. Sưu tầm, phát hiện có giống hoa đẹp, phù hợp với khí hậu địa phương, ông lại gọi cho bạn bè đến đàm đạo, chia sẻ. Mỗi năm, ông Hai Nam lại chủ trì tổ chức vài hội thảo về cách trồng và chăm sóc phong lan tại vườn.

Cùng với thu nhập từ nghề sửa máy, vườn lan đã giúp vợ chồng ông Hai Nam ăn nên làm ra và nuôi hai con ăn học đàng hoàng: con trai lớn đang là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Cần Thơ còn con gái út là học sinh giỏi lớp 11 Trường THPT Bình Minh. Vợ chồng ông Nam thường xuyên giúp đỡ những người nghèo khó, tích cực đóng góp các phong trào Vì người nghèo, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương. Lối sống chan hòa, nghĩa tình của vợ chồng người nông dân này luôn được bà con chòm xóm khen ngợi, quý mến.

Ông Nam cho biết, hiện ông đang mở rộng 4 công đất vườn để trồng lan và bổ sung thêm nhiều giống lan mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Siêng năng, chịu khó học hỏi và chia sẻ với mọi người đó là những lời nhận xét tốt đẹp của bà con thị trấn Cái Vồn dành cho “Nam Phong lan”. Gia đình “Nam Phong lan” xứng đáng với danh hiệu gia đình văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi của thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh.

Bài, ảnh: TIẾN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết