02/07/2024 - 08:11

“Bẫy rác” và thiết lập hệ thống tái chế gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt 

Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường (BVMT). Dự án thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế  là giải pháp vừa được triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ, với mong muốn xử lý rác thải nhựa trên sông rạch hiệu quả, góp phần BVMT sông nước thêm sạch, đẹp…

Bẫy thu gom rác thải trên sông được thăm dò, lắp đặt trên rạch Cái Khế.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, hiện nay thành phố có tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn thải ra hằng ngày khoảng 700 tấn. Việc thu gom, xử lý rác thải được thực hiện thường xuyên, với tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị đạt trên 98%, phần còn lại do người dân tự đốt, tự xử lý. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ được biết đến là đô thị sông nước với hệ thống sông ngòi dày đặc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố cũng phải đối mặt với những thách thức của đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Với mục tiêu phát triển thành phố theo hướng tăng trưởng xanh, ổn định, bền vững, gắn liền với bản sắc sông nước sinh thái, TP Cần Thơ đã  tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi xuống sông, kênh, rạch; đồng thời thu gom rác thải trên sông, tái chế rác thải…

Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên sông, tái chế rác thải trên địa bàn thành phố, Tổ chức Clear Rivers đã tài trợ thực hiện Dự án thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế tại TP Cần Thơ. Mục tiêu của dự án là tìm cách tiếp cận lâu bền và hiệu quả bằng cách thu hồi rác thải trên sông, khám phá tiềm năng tái chế và sự tham gia của cộng đồng địa phương…”.

Dự án thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa bằng bẫy rác và nâng cao hệ thống tái chế địa phương tại TP Cần Thơ được khởi động với các hoạt động như triển khai lắp đặt thiết bị vớt rác thụ động và tiết kiệm chi phí của Clear River (bẫy thu gom rác trên sông); hệ thống giám sát mật độ rác thải nổi trên sông AI-CCTV; ra quân thu gom rác thải nhựa tại địa phương; thực hiện chương trình tái chế tại địa phương dựa trên nền tảng hệ thống tái chế hiện có nhằm ngăn chặn việc đốt rác hoặc vận chuyển nhựa đến các thành phố khác ngoài Cần Thơ; hoạt động phỏng vấn cộng đồng nhằm phân tích thói quen quản lý rác tại từng hộ gia đình và tìm hiểu những khó khăn trong việc áp dụng các quy trình phân loại; thực hiện chương trình giáo dục - xây dựng mô hình mẫu trường học không rác thải nhựa tại một điểm trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ; tham vấn cộng đồng cùng nhau xây dựng phương hướng giải quyết vấn đề rác thải nhựa cũng như báo cáo kết quả đã đạt được trong thời gian thực hiện dự án... Dự án do Tổ chức Clear Rivers tài trợ với mục tiêu tìm ra cách tiếp cận lâu bền và hiệu quả đối với rác thải nhựa thu được ở Việt Nam (cụ thể là TP Cần Thơ); tìm ra cách thức đạt được một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả bằng cách thu hồi rác thải đại dương/trên sông, khám phá tiềm năng tái chế và có sự tham gia của cộng đồng tại địa phương triển khai nghiên cứu… Thời gian thực hiện dự án này từ tháng 5-2024 đến tháng 4-2025.

Tại lễ khởi động Dự án thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa bằng bẫy rác và nâng cao hệ thống tái chế địa phương tại TP Cần Thơ, ông Ramon Knoester, Giám đốc Tổ chức Clear Rivers, cho biết, Tổ chức Clear Rivers vinh dự được hợp tác và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía UBND TP Cần Thơ và Sở TN&MT trong việc triển khai dự án, góp phần loại bỏ rác thải nhựa trên sông. Gần 10 năm qua, ông đã thành lập Clear Rivers với mục tiêu góp phần ngăn chặn ô nhiễm nhựa trong thời gian ngắn hạn và dài hạn bằng một phương pháp toàn diện, bao gồm các hoạt động như ra quân dọn rác, lắp đặt bẫy rác, giáo dục nâng cao nhận thức và tái chế bền vững lượng nhựa thu hồi. Với phương pháp này góp phần bảo vệ hệ sinh thái và ngăn chặn những ảnh hưởng gián tiếp đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp… trên địa bàn được thực hiện. Dự án thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa bằng bẫy rác và nâng cao hệ thống tái chế địa phương tại TP Cần Thơ thực hiện đạt hiệu quả sẽ được triển khai nhân rộng tại thành phố và các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

Ông Phạm Nam Huân cũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT TP Cần Thơ và UBND quận Ninh Kiều tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Clear Rivers triển khai các hạng mục, phần việc của dự án để đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu rác thải trên các tuyến kênh rạch khu vực nội ô của thành phố. Ngành TN&MT các quận, huyện tổ chức rà soát, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng trên vỉa hè, các tuyến đường giao thông, khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị…

Nhằm tăng cường công tác quản lý, BVMT, mới đây tại Công văn số 2025/UBND-KT về tăng cường kiểm tra, giám sát công tác BVMT, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: UBND các quận trung tâm thành phố (cụ thể quận Ninh Kiều, Cái Răng) thành lập đoàn kiểm tra, tăng cường giám sát công tác vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển và tại các điểm tập kết rác thải tạm trên địa bàn quản lý; giải quyết dứt điểm việc gây ô nhiễm môi trường, phát sinh mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của khu vực dân cư lân cận (Khu tái định cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều; điểm tập kết rác dưới chân cầu Hưng Lợi, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều; Khu dân cư Hưng Phú, phường Hưng Phú, quận Cái Răng...). Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận Ninh Kiều và các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tái định cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh, có ý kiến tham mưu việc xây dựng Trạm trung chuyển rác tại Khu tái định cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh; đảm bảo các tiêu chí phù hợp theo quy định hiện hành và điều kiện thực tế hiện nay tại khu vực; trường hợp cần thiết điều chỉnh, khẩn trương tham mưu UBND thành phố xem xét, điều chỉnh theo đúng quy định. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các quy định pháp luật, hướng dẫn hiện hành về công tác quản lý, phân loại, lưu trữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; đảm bảo tiến độ thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố chậm nhất là ngày 31-12-2024 (theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020)…”.

Bài ảnh HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết